Tăng mạnh các dòng gạo chất lượng giá trị cao

17:01' - 06/03/2018
BNEWS Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các dòng gạo chất lượng và giá trị cao.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng Giám đốc Vinafood 2 được bầu giữ chức Chủ tịch VFA nhiệm kỳ 2018-2023. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN
Ngày 6/3, tại Tp.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII (2018 - 2023). Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hiệp hội gồm 27 thành viên. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã được bầu làm Chủ tịch VFA, thay cho ông Huỳnh Thế Năng đã nghỉ hưu.

Theo VFA, ngoài những hoạt động, nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn của Hiệp hội, trong nhiệm kỳ mới này, Hiệp hội sẽ tập trung vào việc tăng cường phát triển hội viên để tập hợp lực lượng và phối hợp hành động, chống ép giá, chống phá giá, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và uy tín của ngành gạo Việt Nam.

VFA cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Nhà nước, chính quyền địa phương, gắn kết với doanh nghiệp để cùng thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của ngành lương thực. Từ đó, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước.

Để ngành lương thực tiếp tục phát triển trong thời gian tới, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị VFA trong nhiệm kỳ mới cần tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ và các địa phương rà soát quy hoạch, xác định các vùng trồng lúa có lợi thế để điều chỉnh quy hoạch, quy mô sản xuất, sản lượng phù hợp với nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất, phát triển các hợp tác xã, tập hợp các hội viên xây dựng vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cụ thể, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Bởi chỉ khi có nguồn lúa gạo đảm bảo chất lượng, có giá cạnh tranh và thương hiệu thì ngành lúa gạo mới có thể đứng vững trên thị trường.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu VFA cần phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục chuyển đổi sản xuất tăng mạnh các dòng gạo chất lượng giá trị cao; kết hợp với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và quy trình sản xuất mới gắn với chế biến sâu để tăng tối đa giá trị sản xuất.

“Công tác phân tích, dự báo thị trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng thị trường. Do vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội cần chú ý việc cập nhật thông tin về sản xuất, thương mại; nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường để khuyến cáo kịp thời người nông dân, doanh nghiệp. Hiệp hội cũng cần nâng cao vai trò góp phần điều tiết thị trường, chống bán phá giá gạo gây ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu gạo Việt Nam cũng như cần tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng và phát triển thị trường”, ông Nam nhấn mạnh.

Tại Đại hội, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cũng lưu ý các doanh nghiệp hội viên VFA cần chú ý đến những thay đổi về chính sách nhập khẩu của các thị trường chính hiện nay.

Đơn cử như: ở thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc siết chặt nhập khẩu theo đường biên mậu, họ lại đang khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài và nhập khẩu trở lại. Kèm theo đó, thị trường này cũng bắt đầu đưa ra những yêu cầu cao về mặt chất lượng sản phẩm và kiểm tra chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc. Điều này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược phù hợp để khai thác tốt tiềm năng của thị trường này.

Tính đến cuối năm 2017, VFA có 132 hội viên, trong đó có 11 hội viên liên kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục