Tăng năng lực ứng phó an ninh mạng trong tình hình mới

15:30' - 09/09/2021
BNEWS Tọa đàm cấp cao Lãnh đạo Công nghệ thông tin và an toàn thông tin trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số.

Thúc đẩy triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện nghị quyết này, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình an toàn, an ninh mạng hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương cùng với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty An ninh mạng Viettel tổ chức Toạ đàm cấp cao Lãnh đạo công nghệ thông tin và an toàn thông tin với chủ đề “Nâng cao năng lực ứng phó thách thức an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới” theo hình thức trực tuyến.

Tọa đàm cấp cao với sự tham gia của đại diện các ban, bộ ngành, Trung ương liên quan và hơn 40 lãnh đạo cấp cao phụ trách công nghệ thông tin, an ninh thông tin đến từ các tập đoàn, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính bảo hiểm, chứng khoán, doanh nghiệp lớn trong nước và các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ hàng đầu hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Hiển- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17/4/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng tạo nền tảng vững chắc cho việc chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Do vậy, buổi tọa đàm là cơ hội trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số; nâng cao năng lực ứng phó của đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn hệ thống thông tin dữ liệu trong các tổ chức, doanh nghiệp trước các nguy cơ tấn công mạng ngày càng nhiều; tăng cường sự chủ động, tính đồng bộ trong công tác phối hợp, điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin giữa các tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.

Tọa đàm cũng đã cung cấp thông tin về tình hình an toàn, an ninh mạng hiện nay cũng như chia sẻ các kinh nghiệm thực tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực bảo vệ hệ thống thông tin dữ liệu quan trọng, đồng thời làm rõ những thay đổi trong phương thức hoạt động của doanh nghiệp, xu hướng đẩy nhanh số hóa các quy trình kinh doanh, gia tăng sử dụng các thiết bị di động và IoT, ứng dụng điện toán đám mây đang khiến doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt lỗ hổng về bảo mật.

Theo Báo cáo tình hình an toàn thông tin Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), trong nửa đầu năm 2021 hệ thống Viettel Threat Intelligence của công ty ghi nhận và phân tích nhiều cuộc tấn công lớn của các nhóm APT bao gồm: nhóm APT32 sử dụng mã độc lợi dụng định dạng ActiveMime tải về Cobalt Strike để tấn công người dùng Việt Nam vào tháng 2; nhóm APT 1937CN đã thực hiện tấn công có chủ đích vào Việt Nam lợi dụng các văn bản liên quan đến chính trị tại Việt Nam vào tháng 5, mã độc KerrDown Malware của nhóm APT32 nhắm vào người dùng Việt Nam vào tháng 3,…

Cùng đó, đã xảy ra nhiều sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng, trên một số các diễn đàn, dữ liệu liên quan tới Việt Nam đã được rao bán rầm rộ, hệ thống cũng ghi nhận các vụ lộ lọt thông tin dữ liệu lớn khách hàng của các doanh nghiệp Việt.

Giải pháp Viettel Threat Intelligence của VCS đưa ra giúp các tổ chức, doanh nghiệp luôn chủ động, làm chủ được những nguy cơ để xử lý và phản ứng kịp thời. Giải pháp Viettel Threat Intelligence có những tính năng vượt trội như cung cấp tri thức mối đe dọa mà máy có thể đọc để liên tục cập nhật tri thức mới cho các thiết bị mạng như IPS/IDS, cổng mạng, tường lửa, SIEM…;

Giải pháp cũng cung cấp tri thức về lỗ hổng trong hệ thống giúp tổ chức, doanh nghiệp hành  động, phản ứng được ngay lập tức; cung cấp tri thức chi tiết về các tấn công APT hiện hành giúp tổ chức/doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, tránh gặp rủi ro…

Ngoài ra, trong khuôn khổ Tọa đàm, các phương thức giám sát, phát hiện và phòng ngừa rủi ro mất an toàn thông tin trong trạng thái “bình thường mới” được giới thiệu bởi Viettel Security Center – đơn vị thực hiện nghiên cứu chuyên sâu và phát triển giải pháp an toàn thông tin, đồng thời cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Dù trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng VCS vẫn tích cực phối hợp với các đối tác để tổ chức các cuộc hội thảo, hoạt động trực tuyến. Đây là nỗ lực không ngừng của VCS nhằm tạo ra giá trị cho các tổ chức/doanh nghiệp, thúc đẩy công tác đảm bảo an toàn thông tin trong nước và toàn cầu.

Những nỗ lực này đã khẳng định vị thế số 1 của VCS về đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ tài sản dữ liệu, trí tuệ cho các cơ quan chính phủ, tổ chức ,doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia. VCS là công ty an toàn, an ninh thông tin đầu tiên của Việt Nam xây dựng được một hệ sinh thái giải pháp an toàn thông tin do chính các chuyên gia trong nước nghiên cứu và phát triển, cung cấp cho chính phủ, các bộ, ngành, và các tổ chức/doanh nghiệp lớn./.

>>>Israel công bố ý định xây dựng một sáng kiến về an ninh mạng quốc tế

  •  

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục