Tăng phí thị thực du học: Australia đang để mất một lợi thế cạnh tranh

06:30' - 04/07/2024
BNEWS Việc tăng phí có nghĩa là chi phí nộp đơn xin thị thực du học ở Australia sẽ cao hơn nhiều so với một số quốc gia khác cạnh tranh với Australia trên thị trường giáo dục quốc tế.

Chính phủ liên bang Australia ngày 1/7, đã quyết định tăng gấp đôi phí cấp thị thực (visa) cho sinh viên nước ngoài. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức và khiến phí visa không hoàn lại đối với sinh viên quốc tế tăng từ 710 AUD (473,92 USD) lên 1.600 AUD (tương đương 1.068 USD).

Theo tạp chí The Conversation, tin tức bất ngờ này là một phần trong nỗ lực bao trùm của Chính phủ Australia nhằm kiểm soát lượng người di cư kỷ lục vào nước này, đặc biệt là sinh viên quốc tế.

Như Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil đã tuyên bố hôm 1/7, mức phí tăng thêm sẽ làm cho hệ thống di trú “công bằng hơn và thu gọn hơn”. Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare cho biết thêm khoản phí tăng thêm cũng sẽ dành để hỗ trợ cho “những cải cách quan trọng”, chẳng hạn như thanh toán cho các thủ tục bắt buộc và các khóa học miễn phí ban đầu khi sinh viên bước chân vào các trường đại học.

* Phí thị thực sinh viên quốc tế của Australia lọt tốp cao nhất thế giới

Việc tăng phí có nghĩa là chi phí nộp đơn xin thị thực du học ở Australia sẽ cao hơn nhiều so với một số quốc gia khác cạnh tranh với Australia trên thị trường giáo dục quốc tế.

Ví dụ, lệ phí thị thực du học là khoảng 185 USD (277 AUD) đối với Mỹ và khoảng 150 CAD (164 AUD) đối với Canada. Còn đối với Anh, lệ phí là 490 bảng Anh (932 AUD) và đối với New Zealand là 375 NZD (343 AUD).

* Phản ứng của các trường đại học Australia

Động thái tăng phí thị thực cao bất thường của Canberra đã vấp phải sự phản đối từ ngành giáo dục đại học. Nhóm G8, đại diện cho các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Australia (trong đó có Đại học Sydney và Đại học Melbourne), mô tả đây là "một động thái tăng doanh thu trắng trợn" và là "một đòn giáng mạnh" vào một lĩnh vực dịch vụ trị giá 48 tỷ AUD.

Do khoản phí 1.600 AUD không được hoàn lại nên việc tăng phí có thể làm giảm số lượng đơn xin thị thực du học Australia. Đặc biệt, điều này có nghĩa là sẽ có ít sinh viên đến từ các quốc gia đang phát triển hơn ở Australia và sẽ ít có sự đa dạng văn hóa hơn trong khuôn viên trường.

Những thay đổi về mức phí thị thực sinh viên quốc tế trên là bước tiếp theo sau những thay đổi về chính sách gần đây, trong đó có việc tăng yêu cầu tối thiểu về tài chính và trình độ tiếng Anh đối với sinh viên chuẩn bị du học tại Australia, cùng với nhiều kế hoạch nhằm hạn chế số lượng sinh viên quốc tế nói chung.

Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại từ các tổ chức đại học của Australia, nhất là Universities Australia - cơ quan cao nhất của lĩnh vực đại học đại diện cho tiếng nói của 39 trường đại học của nước này. Hầu hết ý kiến cho rằng ngành này sẽ phải chịu tổn thất lớn về tài chính, do phụ thuộc rất nhiều vào học phí của sinh viên quốc tế.

* Điều gì dẫn tới quyết định trên?

Chính phủ Australia khẳng định họ tin rằng sinh viên quốc tế đã quay trở lại Australia nhanh hơn nhiều so với dự kiến sau khi biên giới mở cửa trở lại.

Sau đại dịch COVID-19, Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison trước đây đã áp dụng hàng loạt các biện pháp nhằm khuyến khích sinh viên quốc tế quay trở lại Australia. Nỗ lực này bao gồm chính sách cho phép kéo dài thị thực và cho phép sinh viên được làm việc nhiều giờ hơn mỗi tuần.

Tuy nhiên, những chính sách đó đã bị thay đổi. Tỷ lệ cấp thị thực cho sinh viên quốc tế ở thời điểm hiện tại đang thấp kỷ lục. Điều này có nghĩa là Chính phủ Australia hiện nay đang từ chối đơn xin cấp thị thực của sinh viên quốc tế nhiều hơn bao giờ hết.

Việc xem xét cấp thị thực chặt chẽ trên đặc biệt đúng trong lĩnh vực đào tạo nghề. 

Theo đánh giá gần đây của Chính phủ Australia, lĩnh vực này được xác định là có số lượng các cơ sở “lừa đảo” lớn nhất so với các ngành còn lại. Những cơ sở được coi là “những trường cao đẳng ma” tuyển sinh những sinh viên không thực sự có ý định đến Australia để học tập mà thực chất để làm việc.

* Đây có phải là một ý tưởng tốt?

Mục tiêu kiểm soát lượng người di cư của Canberra ở một mức độ nào đó có thể hiểu được, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhà ở đang rất cạnh tranh. Tuy nhiên, xét đến việc các đơn xin cấp thị thực du học liên tục bị từ chối và tồn tại một kế hoạch hạn chế tổng thể, việc tăng phí lần này có vẻ như là một động thái cứng rắn.

Động thái trên xuất hiện tiếp theo sau những thay đổi của Chính quyền Thủ tướng Althony Albanese đối với thị thực du học, chẳng hạn như "xếp hạng rủi ro" đối với các cơ sở giáo dục mà sinh viên quốc tế đến du học. Tuy nhiên, “các biện pháp toàn vẹn” nhằm bảo vệ hệ thống di cư của Australia đang được sử dụng để giảm tổng số lượng sinh viên du học, đây không phải là mục đích mà các hệ thống này được thiết lập để thực hiện. Điều này có thể làm suy yếu mục tiêu ban đầu là thu hút sinh viên quốc tế đủ điều kiện, đồng thời cũng liên tục làm gia tăng đáng kể sự bất ổn trong các trường đại học. 

Cuối cùng, tác động mạnh nhất đến số lượng sinh viên quốc tế đến từ việc Chính phủ Australia sẽ áp đặt mức “trần” số lượng sinh viên - điều mà chính phủ nước này bất ngờ đưa ra ngay trước khi công bố Ngân sách Liên bang 2024-2025 vào tháng 5/2024. Hiện vẫn chưa rõ giới hạn sẽ như thế nào hoặc chúng sẽ được tính toán như thế nào. Dự luật đã được trình lên Quốc hội và là chủ đề mà Thượng viện đang xem xét.

* Những lựa chọn khác thay thế

Chính phủ Australia có thể đưa ra những biện pháp khả thi khác để kiểm soát vấn đề số lượng du học sinh mà không gây tổn hại đến toàn ngành. Ví dụ, chính phủ có thể xem xét các biện pháp như hạn chế gia hạn thị thực du học tại những khu vực cụ thể, nơi đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở.

Điều này rất quan trọng nếu Australia muốn cân bằng giữa việc “quản lý tổng thể chương trình di cư” với “những lợi ích kinh tế đáng kể mà nước này liên tục thu về từ sinh viên quốc tế”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục