Tăng thêm mức thuế và đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

21:49' - 13/06/2024
BNEWS Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng từ 5-10% so với quy định hiện hành và tăng dần 5-10%/năm trong các năm giai đoạn 2026-2030.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đồng thời gửi văn bản xin ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện văn bản pháp lý này, trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến từ tháng 10/2024 và dự kiến thông qua vào tháng 5/2025.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, mục đích của Luật này là hoàn thiện các quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu ngân sách, đảm bảo minh bạch, dễ thực hiện; đổi mới các quy định theo hướng gia tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt và mở rộng các đối tượng hàng hóa chịu sắc thuế này, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành chỉ quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Do đó, dự thảo Luật mới sẽ bổ sung thêm nhiều nhóm, hàng hóa dịch vụ và đưa ra lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp cho từng loại, nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Về các nhóm hàng hóa, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ quy định rõ mặt hàng thuốc lá bao gồm: thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, xì gà, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngậm.

Đối với mặt hàng rượu, bia, Luật mới sẽ bao gồm cả tất cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm được lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm. Đặc biệt, các loại nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với mặt hàng xe ô tô, dự án Luật bổ sung thêm xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm cả xe chở người, xe 4 bánh có gắn động cơ, xe ô tô pick-up chở người, xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên.

Đối với nhóm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật mới quy định rõ dịch vụ kinh doanh đặt cược, bao gồm cả đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, bổ sung dịch vụ kinh doanh sân tập golf vào đối tượng dịch vụ chịu mức thuế suất này.

Về mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ, theo các phương án được Bộ Tài chính đưa ra, trước mắt sẽ giữ nguyên mức thuế suất 75% đối với mặt hàng thuốc lá, nhưng sẽ bổ sung mức thuế tuyệt đối với từng loại mặt hàng theo lộ trình tăng dần từ năm 2026-2030.

Cụ thể, mức thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối áp dụng cho mặt hàng thuốc lá điếu sẽ tăng dần từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/bao (từ 2026-2030), xì gà tăng từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/điếu; các loại thuốc lá sợi, chế phẩm từ cây thuốc lá áp dụng lộ trình tăng thuế dần từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/100gr hoặc 100ml.

Đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính dự kiến quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm từ 2026-2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cụ thể, đối với rượu 20 độ trở lên, Bộ Tài chính chọn phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào năm 2030. Rượu dưới 20 độ, áp dụng mức thuế 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% vào năm 2030. Bia các loại áp dụng mức thuế 80% vào 2026 và tăng lên 100% vào 2030.

Để điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng sẽ quy định thu thuế đối với một số hàng hóa, dịch vụ cao cấp vượt trên nhu cầu thông thường của đời sống xã hội.

Theo đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 sẽ áp dụng mức thuế suất 110-150% (theo lộ trình từ 2026-2030); tàu bay, du thuyền áp dụng thuế suất 35%; kinh doanh dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng chịu thuế 35%; kinh doanh vũ trường chịu thuế 40%...

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như kể trên và lộ trình tăng dần mức thuế này từ 2026-2030, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới tại Việt Nam sẽ giảm từ 42,7% (năm 2022) về mức 38,6% vào năm 2030. Ngân sách thu được từ sắc thuế này riêng với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng từ mức 17.600 tỷ đồng (2022) lên mức 39.200 tỷ đồng vào năm 2030.

Đối với mặt hàng rượu, bia nếu áp dụng mức thuế suất như đề xuất của Bộ Tài chính, dự kiến giá bán tất cả các mặt hàng rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026 (so với 2025). Các năm sau sẽ tăng 2-3% tùy theo mức độ lạm phát và tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục