Tăng thu ngân sách trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử

12:41' - 10/08/2022
BNEWS Theo Bộ Tài chính lũy kế 7 tháng tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2021
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới tiếp tục điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, quản lý thu phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng cường chống thất thu ở các lĩnh vực; trong đó, có việc tăng thu trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử và hoàn thuế giá trị gia tăng...

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, như lạm phát đang tăng cao, giá xăng dầu giảm nhưng mặt bằng giá nói chung chưa giảm; lãi suất tăng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tác động tới nguồn thu ngân sách.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu ngành phải đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng ban hành chính sách pháp luật, về hình ảnh của ngành, những việc trọng tâm, việc mới, việc làm sáng tạo của ngành trong thời qua. Bộ trưởng lưu ý toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông tin phải đi trước một bước, góp phần vào hiện đại hóa ngành tài chính.

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 7 tháng tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, ngân sách trung ương ước đạt 77,3% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 77,7% dự toán.

Bộ Tài chính cho biết, trong quản lý, điều hành thu ngân sách nhà nước, Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu ngân sách, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Đến hết tháng 7, có 10/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 58%), trong đó, ccác khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 70,3% dự toán, tăng 8% so cùng kỳ.

Bộ Tài chính cũng cho biết có 3 khoản thu đạt trên 90% dự toán là thuế thu nhập cá nhân đạt 90,1%, các khoản thu về nhà, đất (đạt 95,1%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 93,4%. Còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường đạt 54% và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 54,4%.

Ước tính cả nước có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng đạt trên 58% dự toán; 45/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 18 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 842,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Ngân sách trung ương đã chi 2,42 nghìn tỷ đồng từ dự phòng, trong đó chủ yếu để bổ sung cho các địa phương (2,19 nghìn tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 27,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Tính đến hết tháng 7/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 46,2 nghìn tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục