Tăng tính công khai, minh bạch trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp

14:11' - 02/02/2021
BNEWS Khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp liên tục được đổi mới, hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường.
“Nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và tạo khung pháp lý thống nhất về trái phiếu doanh nghiệp, giúp thị trường phát triển nhanh và bền vững, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều thông tư, nghị định trong thời gian qua; trong đó có Nghị định 153/2020/NĐ-CP”, là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, với phóng viên TTXVN về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những quy định mới về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153 của Chính phủ.

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh đã đáp ứng yêu cầu huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh của mọi loại hình doanh nghiệp.

Khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng liên tục được đổi mới, hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nhất là đối với một số ngành nghề nhạy cảm nhằm giảm thiểu rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt bình quân 48%/năm trong giai đoạn 2017-2020. Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 đạt khoảng 430.000 tỷ đồng; trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019.

Việc phát triển thị trường vốn; trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chủ trương của Chính phủ nhằm góp phần giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tới sự phát triển cân bằng hơn giữa hai thị trường này.

Phóng viên: Để phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, bảo vệ nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Trước tình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng quá nhanh, trong bối cảnh Luật Chứng khoán năm 2010 vẫn cho phép nhà đầu tư cá nhân được tham gia mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, để tránh những rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Nghị định số 163 theo hướng nâng cao điều kiện phát hành, hạn chế khối lượng phát hành, tần suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường chế độ công bố thông tin, báo cáo để giảm thiểu rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, để xử lý tận gốc những tồn tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua các luật mới, nhằm quy định thống nhất về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Luật Chứng khoán 2019 đối với công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp 2020 đối với công ty không phải là công ty đại chúng, theo hướng phân biệt giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ với phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được phép bán và giao dịch cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được bán, giao dịch cho mọi đối tượng nhà đầu tư.

Triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để tạo ra khung pháp lý thống nhất về trái phiếu doanh nghiệp.

Ba nghị định đó là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153); Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, khung pháp lý mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được hoàn thiện, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.

Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm mới của Nghị định 153 là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ

Về đối tượng nhà đầu tư mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 31) và Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Điều 128), Nghị định số 153 (Điều 8) quy định: đối với trái phiếu không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền, nhà đầu tư mua và giao dịch trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;  đối với trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, nhà đầu tư mua và giao dịch trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dưới 100 nhà đầu tư chiến lược.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm và quyền lợi của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, theo đó, các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần phải am hiểu quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư, tự chịu rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn.

Quy định này tại Nghị định nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, để các nhà đầu tư này tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán.

Về các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định số 153 đã quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức này nhằm tăng cường quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về chế độ công bố thông tin và báo cáo, một số quy định về chế độ công bố thông tin và báo cáo tại Nghị định 153 đã được hoàn thiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện thời gian qua như rút ngắn thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành từ tối thiểu 10 ngày làm việc xuống tối thiểu 1 ngày làm việc theo kiến nghị của các doanh nghiệp và quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Về tổ chức thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đồng thời giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành, Nghị định số 153 quy định về việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay theo phân công, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đang nghiên cứu xây dựng mô hình thị trường giao dịch để báo cáo Bộ Tài chính xem xét quyết định và ban hành văn bản hướng dẫn.

Tại Nghị định số 153 cơ chế quản lý giám sát đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được hoàn thiện hơn. Khác với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng cho mọi đối tượng nhà đầu tư phải được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không cần được cấp phép.

Doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn, phân phối, đăng lý, lưu ký và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ, minh bạch cho nhà đầu tư, tuân thủ các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu và chế độ báo cáo. Cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận công bố thông tin của doanh nghiệp thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), báo cáo của tổ chức tư vấn, các tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện hậu kiểm và xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện sai phạm.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 153, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư số 122 đã quy định cụ thể nội dung, biểu mẫu, cách thức công bố thông tin, báo cáo của doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Như vậy, khung khổ pháp lý đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ từ Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp, Nghị định số 153 của Chính phủ và Thông tư số 122 của Bộ Tài chính sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp; nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu và tăng cường quản lý giám sát đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan quản lý và thúc đẩy phát triển đồng bộ cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp./.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục