Siết nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro

18:48' - 10/11/2020
BNEWS Đến cuối tháng 9/2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13% GDP năm 2019, (tăng 2,15% so với cuối năm 2019) vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường này cũng kéo theo nhiều hệ lụy có thể xảy ra.

Để lành mạnh hóa thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 10/7/2020 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP đối với trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn.

* Nguồn cung giảm mạnh

Tại Đối thoại về các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.

Đến cuối tháng 9/2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13% GDP năm 2019, (tăng 2,15% so với cuối năm 2019) vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đáng chú ý, kể từ khi Nghị định 81 có hiệu lực từ 1/9/2020, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường đã giảm mạnh.

Cụ thể, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 8 đạt mức 89.000 tỷ đồng, bằng 30% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2020 lượng trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 14.000 tỷ đồng; đến tháng 10 quy mô phát hành tiếp tục giảm, chỉ bằng 31% so với tháng 9.

“Việc ban hành Nghị định 81 đã phần nào làm giảm nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp. Về mặt tích cực, những rủi ro mà cơ quan quản lý nhà nước lo ngại sẽ được kiểm chế”, ông Dương cho biết.

Theo một số doanh nghiệp, với các quy định siết chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong Nghị định 81 sẽ ngăn cản sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đáng kể đến việc huy động vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh tiếp cận vốn từ ngân hàng vẫn còn nhiều thủ tục khó khăn.

Tuy vậy, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong Nghị định 81 đã được cơ quan soạn thảo cân nhắc giữa rủi ro và tính ổn định của thị trường. Bộ Tài chính đã lựa chọn phương án theo hướng thận trọng.

Nghị định 81 điều chỉnh các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp muốn phát hành buộc phải thực hiện tốt yêu cầu về minh bạch thông tin cũng như phải cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch phát hành về cả về quy mô và thời gian… Từ đó, giúp kiểm soát rủi ro bong bóng nợ trong các doanh nghiệp phát hành, tránh tình trạng nguồn vốn bị sử dụng sai mục đích gây nên tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.

Trong một báo cáo về tác động của Nghị định 81, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, các quy định trong Nghị định 81 sẽ khiến quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới có thể sẽ không tăng nhanh như đã diễn ra trong năm 2019.

Tuy vậy, bước điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh hơn. Đây cũng là bước đệm quan trọng để hướng đến mục tiêu từng bước tách bạch giữa 2 hoạt động phát hành ra công chúng và hoạt động phát hành riêng lẻ chỉ hướng đến đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp.

* Thêm cơ chế bảo vệ

Thực tế trong thời gian qua, với việc lãi suất cao cộng thêm điều kiện mua dễ dàng, nhiều nhà đầu tư cá nhân nhảy vào “cuộc chơi” trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường tăng nóng, bất chấp những yếu tố rủi ro có thể xảy ra.

Thị trường cũng ghi nhận xu hướng nhà đầu tư cá nhân, trong đó có cả những người về hưu đã có sự chuyển dịch từ tiền gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất cao mà ít để ý đến sức khỏe doanh nghiệp, dòng tiền, sự ổn định trong lâu dài… của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã liên tục có những thông tin khuyến nghị, cảnh báo đối với tất cả đối tượng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhà đầu tư cá nhân trong lúc lĩnh vực này tăng trưởng mạnh.

Trong bối cảnh luật pháp hiện hành không cấm các nhà đầu tư riêng lẻ không có khả năng phân tích được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, còn quy định mới về việc chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp đến ngày 1/1/2021 mới có hiệu lực, Nghị định 81 đóng vai trò bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.

Theo đó, Nghị định 81 có bổ sung thêm một số điều kiện chặt chẽ hơn để đảm bảo các doanh nghiệp phát hành không chia nhỏ các lô phát hành trái phiếu để bán cho nhà đầu tư cá nhân; đồng thời tăng cường tính công khai minh bạch thông tin để cho nhà đầu tư cá nhân nắm bắt trước khi quyết định đầu tư, cũng như giới hạn khối lượng, khoảng cách giữa các đợt phát hành.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành phụ trách khối đầu tư trái phiếu và chứng khoán niêm yết của VinaCapital cho rằng, với các quy định mới trong Nghị định 81 có vẻ sẽ hạn chế sự tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân đối với thị trường này trong tương lai. Tuy nhiên, đây là bước cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân; đồng thời cũng là để thị trường hoạt động một cách lành mạnh và chuyên nghiệp hơn.

“Thực ra điều này còn mở ra cơ hội đối với những công ty quản lý quỹ như VinaCapital. Bởi lẽ có thể sẽ thu hút được những khách hàng không thể trực tiếp tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyển sang mua chứng chỉ quỹ của các quỹ trái phiếu”, bà Thu nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, thay vì tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các nhà đầu tư cá nhân có thể dịch chuyển sang đầu tư kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng với đánh giá rủi ro rõ ràng hơn. Bởi việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cần có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cơ quan này có trách nhiệm thẩm định độ chính xác về thủ tục giấy tờ và đảm bảo các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp.

Với những quy định mới trong Nghị định 81, việc điều hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được thực hiện theo đúng định hướng phát triển thị trường tài chính từng bước điều hành cân bằng hơn với với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực huy động vốn từ kênh tín dụng ngân hàng.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, đây chỉ mới là giải pháp tạm thời trong bối cảnh thị trường tăng trưởng nóng. Việc nhiều quy định thay đổi trong một thời gian ngắn, đòi hỏi cơ quan quản lý cần có phương án phù hợp, tránh gây tâm lý xáo trộn trên thị trường. Đồng thời, cần có giải pháp lâu dài, căn cơ hơn khi giải quyết bài toán về vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng như đã diễn ra…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục