Tăng trưởng tín dụng năm 2020 dự kiến đạt khoảng 11%

11:42' - 24/12/2020
BNEWS Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dự kiến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 11%.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, diễn ra tại Hà Nội ngày 24/12,  Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dự kiến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 11%. 

Sang năm 2021, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ; chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.

Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến 21/12 tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm qua đã chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ. Từ đó, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 18/12, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019.

Về điều hành suất, tính chung đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành. Đáng chú ý là việc giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, các biện pháp trên, cùng với việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay tính đến hết tháng 11/2020 giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

 

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 200 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dự nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ cao.

Đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019.

So với cùng kỳ năm 2016, trong 10 tháng năm 2020, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 83,67% về số lượng và 135,04% về giá trị. Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh internet tăng 276,4% và 343%; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 1.037% và 972,5%.

Về nợ xấu, đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2% nhưng Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biế,t đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục