Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 7,08%, cao nhất trong 8 năm qua

10:42' - 29/06/2018
BNEWS Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm, lạm phát ổn định; xuất khẩu hàng hóa tăng 16%, nhập khẩu hàng hóa tăng 10%; tiêu dùng cuối cùng tăng cao 7,13%, tích lũy tài sản tăng 7,06%...
Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, sáng 29/6, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt 7,08% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng trong 8 năm qua.

“Các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, khu vực dịch vụ có mức tăng ấn tượng. Xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển nền kinh tế. Nhà nước hành động sáng tạo đã gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần…” Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước quý I/2018 tăng 7,45% (cao hơn số ước tính 0,07%), GDP quý II/2018 tăng 6,79% (quý II/2017 đạt 6,36%), GDP quý II/2018 tăng cả 3 khu vực so với quý II/2017. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%. Lạm phát ổn định, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa tăng 16%, nhập khẩu hàng hóa tăng 10%. Tiêu dùng cuối cùng tăng cao 7,13%, tích lũy tài sản tăng 7,06%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018; trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,41%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua; ngành lâm nghiệp tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 4,31% của cùng kỳ năm trước.

Điểm nổi bật trong quý II năm nay là khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%) nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,93%.

Đặc biệt, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,9%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: ngành bán buôn và bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; ngành vận tải, kho bãi; hoạt động kinh doanh bất động sản…

Bên cạnh đó, xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.

Theo Tổng cục Thống kê, một số chỉ tiêu kinh tế khác đã cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế: Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức mở rộng. Chỉ số này tăng từ mức 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 điểm trong tháng 5.

Kết quả này báo hiệu sự ổn định và cải thiện mạnh mẽ "sức khỏe" của lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018. Ngoài ra, đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến được hưởng lợi từ việc Việt Nam đã tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Theo Nikken, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục, tính đến tháng 5, tốc độ tăng mạnh và nhanh nhất trong 14 tháng.

“Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những tháng đầu của năm 2018”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục