Tăng trưởng tín dụng: Không "ép" tăng trưởng mà cần chất lượng

09:18' - 05/11/2017
BNEWS Định hướng điều hành của Chính phủ và của NHNN là nâng mức tăng trưởng tín dụng không phải là “ép” tăng trưởng tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng: Không "ép" tăng trưởng mà cần chất lượng. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo quy luật, những tháng cuối năm nhất là quý IV thường là giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao hơn các quý trước, vì vậy NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến vĩ mô để kiểm soát tín dụng phù hợp.

*Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực

Theo NHNN, thông qua việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng đã góp phần đưa tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm, tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng ở mức cao 12,16% (trong 9 tháng) nhưng quan trọng hơn là cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng điều hành và tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế và tăng 7,5% so với 31/12/2016.

Trong khi đó, tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát, như tín dụng cho bất động sản trong 7 tháng chỉ tăng hơn 6% và chỉ chiếm 6,7% tổng dư nợ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đặc biệt từ ngày 10/7/2017, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN.

Thực hiện chủ trương này, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, cũng giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng từ 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó).

Các TCTD cũng triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng từ 4-5%/năm.

Hiện mặt bằng lãi suất ngắn hạn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6-6,5%/năm, trung và dài hạn từ 8-10,5%/năm. Đối với sản xuất kinh doanh thông thường, khoảng từ 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; từ 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.

Nhờ nguồn vốn đáp ứng kịp thời đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ các khu vực sản xuất. Trong đó, phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ đầu năm đến nay đã đạt mức tăng trưởng 12,8% - mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua. Khu vực nông nghiệp cũng gặt hái nhiều thành công với mức tăng 2,78%, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức tăng chỉ 0,65%.

Tiếp tục chủ trương ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp, khu vực sản xuất, riêng trong 9 tháng năm 2017, đã có trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp. Số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng.

Hệ thống các TCTD cũng đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và hiện đang triển khai trên 70 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó, phải kể đến một số chương trình như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) dành 120.000 tỷ đồng (với lãi suất ngắn hạn dưới 7%/năm và lãi suất trung dài hạn dưới 9%/năm) cho Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2017 và 10.000 tỷ đồng cho Chương trình cho vay doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh (các khoản vay trung dài hạn với lãi suất 8,8%/năm)

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng dành 100.000 tỷ đồng cho Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng…

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách- Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, NHNN những năm gần đây đã đi đúng hướng, tập trung nhiều vào ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, cung ứng tiền vừa đủ để không có sự tăng giá, lạm phát. Đồng thời NHNN cũng thực hiện tốt vai trò cung ứng nguồn vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

* Chú trọng chất lượng tín dụng

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành ngân hàng nâng mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 21%, cao hơn so với mức 18% đặt ra từ đầu năm. Điều này được các chuyên gia kinh tế đánh giá là sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế nhưng đi kèm đó cũng sẽ không ít rủi ro nếu tiền đổ không đúng chỗ.

Làm rõ vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Định hướng điều hành của Chính phủ và của NHNN là nâng mức tăng trưởng tín dụng không phải là “ép” tăng trưởng tín dụng. Quan trọng là tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với bảo đảm chất lượng tín dụng và không để gia tăng nợ xấu.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế đang dựa nhiều vào vốn tín dụng. NHTM có thể tăng trưởng tín dụng trên 22% nếu các ngân hàng rộng tay, nhưng rủi ro có thể xảy ra. Vì vậy, việc tăng trưởng tín dụng có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 6,7% nhưng phải đẩy đúng địa chỉ là sản xuất kinh doanh và phải kiểm soát chất lượng mới phát huy tác dụng.

Khẳng định quyết tâm vào sự tham gia đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, NHNN cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, sẽ điều hành linh hoạt lượng cung tiền, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, hỗ trợ các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất huy động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

NHNN cũng cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, để khuyến khích tăng trưởng kinh tế hơn nữa, NHNN vẫn xác định những tháng cuối năm điều hành một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng tín dụng, khuyến khích vào lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt.

“Theo quy luật, quý IV và tháng 11, tháng 12 sẽ có mức tăng trưởng cao hơn nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô để kiểm soát tín dụng phù hợp. Nếu kiểm soát lạm phát, cân đối vĩ mô và chất lượng tín dụng đảm bảo thì NHNN có thể điều hành mức tăng trưởng tín dụng trên mức 18%”, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục