Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

21:27' - 29/04/2020
BNEWS Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chiều tối 29/4, khẳng định trong buổi làm việc với đại diện các hiệp hội, ngành hàng, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phan Văn Chinh, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên quan đến xuất nhập khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên liệu, xúc tiến thương mại…

Đặc biệt, những kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến các gói hỗ trợ tín dụng, chính sách tài khóa và an sinh xã hội, Cục Xuất Nhập khẩu sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ trong Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài ra, với những khó khăn về nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu ở cả thời điểm hiện tại và dự báo trong quý II và III, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa.

Cũng theo ông Phan Văn Chinh, hầu hết các quốc gia là thị trường xuất khẩu lớn của hàng hóa Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt trong phòng chống dịch bệnh và đang tái khởi động nền kinh tế.

Hơn nữa, các quốc gia này cũng đều đưa ra các gói hỗ trợ, cứu trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vì thế, đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và tìm kiếm bạn hàng, đối tác xuất nhập khẩu trong thời gian tới

Phản ánh những khó khăn khi dịch COVID-19 tác động, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang rất chậm và vấp phải nhiều khó khăn do những quy định còn chưa linh hoạt, thậm chí không khả thi ngoại trừ chính sách do Bộ Công Thương đề xuất.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện tại Hiệp hội đã đưa ra kịch bản xuất khẩu năm nay chỉ ở mức 33,5 tỷ USD, thậm chí là 30 - 31 tỷ USD.

Cùng quan điểm này, đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, với đặc thù có từ 70-80% sản phẩm dành cho xuất khẩu, gần như 100% nguyên liệu cho sản xuất lại phải nhập khẩu.

Chính vì vậy, doanh nghiệp thuộc ngành bông sợi nằm trong nhóm  gặp khó khăn lớn nhất do tác động của đại dịch COVID-19 bởi phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, hầu hết các thị trường nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đang bị gián đoạn, giãn, hoãn các hợp đồng cung ứng.

Ngoài ra, ngành bông sợi có số lao động rất lớn nên khi các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm dừng hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động.

Còn theo đại diện Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã giảm 10% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, tại thị trường Trung Quốc giảm 27 %, EU giảm 16 %, Hàn Quốc giảm 11 %.

Hơn nữa, các đơn hàng xuất khẩu mà các doanh nghiệp thủy sản đã ký với đối tác chỉ giao được khoảng 50%, còn lại bị huỷ hoặc bị hoãn trong khi việc đàm phán, ký kết các đơn hàng mới đang và sẽ rất khó.

Không những thế, nguồn nguyên liệu do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên ngư dân hạn chế khai thác và người nuôi thủy sản cũng hoạt động cầm chừng.

Tại cuộc làm việc, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đều đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành; trong đó có Bộ Công Thương.

Dù vậy, hầu hết các hiệp hội đều cho rằng tuy chính sách hỗ trợ đã có nhưng triển khai một số chính sách còn chậm, thậm chí không khả thi.

Đối với chính sách hỗ trợ tín dụng, đại diện Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam cho biết, theo khảo sát từ các doanh nghiệp thành viên, đến thời điểm nay chỉ có một số rất ít doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5 đến 1,5% và đa phần các doanh nghiệp ít vay mới vì là đang tồn đọng các đơn hàng cũ.

Tuy nhiên, với chính sách giãn nợ thuế, các doanh nghiệp đã báo cáo thuế và nộp xong thuế của năm 2019, trong khi đó chính sách chỉ áp dụng cho năm 2020 nên hầu như doanh nghiệp không được thụ hưởng chính sách này, mà chỉ có chính sách giảm tiền điện do Bộ Công Thương đề xuất là thực tế nhất vì các doanh nghiệp trong ngành đã được giảm trừ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội Gỗ Việt Nam cũng chỉ ra việc hầu hết các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị mất việc làm.

Vì vậy, đại diện Hiệp hội Gỗ Việt Nam đề nghị, Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước nên có nguồn ngân sách cấp bù lãi suất để các ngân hàng có thể thực hiện cho các doanh nghiệp vay nhằm giải quyết khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Riêng về thị trường xuất nhập khẩu, hầu hết các doanh nghiệp đều nêu kiến nghị Bộ Công Thương ngoài những giải pháp đã và đang thực hiện trong việc tìm kiếm thị trường thay thế cần có ngay chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu nhấn mạnh, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm vẫn đạt kết quả khả quan.

Thống kê từ Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt hơn 162,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kì năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, nhất là các doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục