Bộ Công Thương đưa ra giải pháp gì để ứng phó với giá dầu giảm
Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn giao dịch NYMEX (New York, Mỹ) ngày 20/4 chốt phiên ở mức âm (-37,63 USD/thùng). Để đối phó với giá dầu giảm sâu, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí - Than cho biết, Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu.
Theo đó, ngành dầu khí sẽ rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư.
Đồng thời, ngành dầu khí cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng; rà soát lại các nhiệm vụ thăm dò - thẩm lượng, phát triển mỏ mới, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2020 nhằm đón đầu khi giá dầu tăng.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuẩn bị ngay các giải pháp ứng phó với nhu cầu dịch vụ cũng như giá dịch vụ sẽ giảm để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương yêu cầu PVN cần nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu lại các loại sản phẩm của PVN nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác; tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2020.
Bên cạnh đó, PVN cần cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách; thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thường xuyên tổ chức tự kiểm tra giám sát để chấn chỉnh kịp thời các chi tiêu bất hợp lý. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc mua sắm vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu và sử dụng các dịch vụ đúng quy định và đảm bảo chất lượng. Các đơn vị phối hợp sử dụng chung phụ tùng, vật tư cùng chủng loại; rà soát điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư theo hướng tiết kiệm.
Bộ Công Thương cũng cho hay, toàn ngành dầu khí cần xây dựng ngay các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể (bao gồm cả kế hoạch huy động nguồn vốn) để ứng phó kịp thời với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2020. Mặt khác, xây dựng các hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu; tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư các dự án chưa thật sự cấp bách.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo và kiến Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp (tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.
Bộ Công Thương cho biết, giá dầu thấp như vừa qua là do ngày 21/4/2020 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020. Tại thời điểm này, người mua hợp đồng phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất. Tuy nhiên, với tình trạng nhu cầu dầu thô, xăng dầu tại Mỹ đóng băng do dịch COVID-19 hiện nay, trong khi dầu thô vẫn được sản xuất, các kho chứa dầu, kể cả tàu biển và toa tàu hỏa đều đã chất đầy dầu thô thì việc nhận dầu vào thời điểm này và thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao.
Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng dầu thô WTI, sau khi cân nhắc tính toán lợi ích của mình đã quyết định “bán tháo” với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên.
Thực chất giá âm (dưới 0 USD/thùng) là mức giá được giao dịch giữa các thương nhân trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (Nhà máy lọc dầu). Số lượng dầu giao dịch ở mức âm (dưới 0 USD/thùng) là rất thấp.
Trong phiên giao dịch 21/4/2020, giá dầu trên các sàn giao dịch có giảm nhiều nhưng giá dầu Mỹ ngọt nhẹ giao tháng 6/2020 trên sàn giao dịch NYMEX vẫn duy trì ở mức khoảng 16-20 USD/thùng và giá dầu Brent trên sàn giao dịch ICE (London) vẫn ở mức 21-25 USD/thùng.
Giá dầu thô khai thác trong nước của Việt Nam thường được tham chiếu đến giá dầu thô Brent.
Việc giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu trọng yếu của PVN (tổng doanh thu, nộp ngân sách). Theo tính toán của PVN, trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 4,6 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.
Với đề xuất dừng nhập khẩu dầu của PVN, Bộ Công Thương cho hay, hiện tại, Việt Nam có hai Nhà máy lọc dầu (NMLD) là Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, các nhà máy này gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, về phía các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết...
Về phía các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu (ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ...); khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu; thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành...)./.
- Từ khóa :
- giá dầu
- bộ công thương
- pvn
- dầu khí
Tin liên quan
-
Hàng hoá
Vì sao giá dầu Brent không “sụp đổ” như dầu WTI?
07:55' - 22/04/2020
Theo nhiều nhà phân tích và giao dịch dầu mỏ, mấu chốt không dẫn tới sự sụp đổ của giá dầu Brent là do loại dầu này có phương thức giao dịch khác với dầu WTI.
-
Hàng hoá
Giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 18 năm vào phiên 21/4
07:39' - 22/04/2020
Giá dầu thế giới giao kỳ hạn tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 21/4, kéo dài sự “hỗn loạn” của thị trường dầu thế giới sang ngày thứ hai liên tiếp khi tình trạng dư cung dầu thô toàn cầu gia tăng.
-
Kinh tế Việt Nam
PVN: Giá dầu thô giảm 1USD/ thùng, doanh thu giảm 2.200 tỷ đồng/năm
21:06' - 21/04/2020
Công thức giá bán dầu Việt Nam dựa trên trung bình giá tháng giao dầu của dầu Dated Brent do Platts định giá. Vì vậy, doanh thu của PVN cũng ảnh hưởng bởi dao động của giá dầu Brent.
Tin cùng chuyên mục
-
Thị trường
Nga mở rộng nguồn cung ngũ cốc sang Tunisia
08:30'
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 26/9 cho biết Nga và Tunisia đang thảo luận về việc mở rộng nguồn cung cấp ngũ cốc của Nga sang quốc gia Bắc Phi này.
-
Thị trường
FT: 70% lượng dầu xuất khẩu của Nga tránh được tác động tiêu cực của trần giá
08:14'
Tờ Thời báo Tài chính (FT) của Anh cho rằng Liên bang Nga đã tránh được tác động của trần giá dầu đối với dầu thô nước này.
-
Thị trường
Philippines bác bỏ đề xuất giảm thuế nhập khẩu gạo
07:53'
Ngày 26/9, Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã bác bỏ đề xuất giảm thuế nhập khẩu gạo.
-
Thị trường
Thói quen mua sắm thay đổi tạo ra “chiến trường” mới cho các nhà bán lẻ
06:31'
Số liệu do Reuters tổng hợp cho thấy người tiêu dùng Pháp đang mua các sản phẩm gia dụng và vệ sinh cá nhân ít hơn trong bối cảnh giá các sản phẩm từ các thương hiệu lớn như P&G và Unilever tăng cao.
-
Thị trường
Nỗi lo lãi suất tăng cao bao trùm các thị trường
17:21' - 26/09/2023
Nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát tiêu dùng quan trọng để tìm kiếm manh mối về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay hay không.
-
Thị trường
Châu Á: Sự biến chuyển đột ngột trong sản xuất điện
08:20' - 26/09/2023
Sản lượng thủy điện ở châu Á đã giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, trong bối cảnh hoạt động sản xuất thủy điện ở Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm.
-
Thị trường
Việt Nam quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng Pháp
08:05' - 26/09/2023
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sáng kiến của hệ thống Système U trong việc tổ chức sự kiện này nhằm mở rộng việc quảng bá hàng hóa Việt Nam đến với khách hàng tại Pháp.
-
Thị trường
Thông điệp của Fed đẩy thị trường vàng và chứng khoán đi xuống
16:17' - 25/09/2023
Giá vàng châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 25/9, đi ngược với đà tăng nhẹ từ tuần trước, khi các nhà đầu tư đánh giá quyết định của Fed về việc tiếp tục tăng lãi suất.
-
Thị trường
Thị trường dầu sẽ có thêm nguồn cung từ Nigeria
08:58' - 25/09/2023
Tổng thống Nigeria cho biết, nước này dự kiến nâng sản lượng dầu lên 2,1 triệu thùng/ngày vào cuối năm tới, sau khi các công ty dầu mỏ hoạt động tại nước này cam kết đầu tư 13,5 tỷ USD trong ngắn hạn.