Tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản cất cánh

15:46' - 14/02/2023
BNEWS Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển. Các mô hình đều mang tính tự phát, manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu chuỗi liên kết và khó để trở nên bền vững.

Định hướng phát triển nuôi biển Việt Nam cần chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp - đó là phát biểu của ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tại hội thảo “ Nghề nuôi biển chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp” diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/2, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

 

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, hiện nay cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển trên cả nước; trong đó, 99,9% là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể. Các mô hình đều mang tính tự phát, manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu chuỗi liên kết và khó để trở nên bền vững. Việt Nam cũng chưa có cơ sở nuôi cá biển xa bờ và chỉ có dưới 10 doanh nghiệp nuôi biển theo phương thức công nghiệp.

Định hướng phát triển nuôi biển Việt Nam cần chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp. Cụ thể, di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ, với công nghệ tuần hoàn (RAS) hoặc ở vùng gần biển bờ với hệ thu gom chất thải nuôi.

Cùng đó, áp dụng các vật liệu mới, bền vững, thân thiện với môi trường; IMTA (nuôi biển đa dưỡng tích hợp) cũng như tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển....; tăng cường cơ chế đồng quản lý (PPP) với hệ thống cảnh báo ô nhiễm môi trường, cảnh giới và đảm bảo an ninh nuôi biển.

Tại hội thảo, các đại biểu từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc cần phải thay đổi chính sách nuôi trồng, thúc đẩy tăng trưởng, nhất là nghề nuôi biển, ứng dụng khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ hướng tới nuôi biển bền vững… với sự tham gia thảo luận của các nhà làm chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, các thành phần trong xã hội để gia tăng sản lượng thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia thủy sản… cùng các đại biểu đã tập trung thảo luận về chủ đề Chuyển đổi nghề nuôi biển như thế nào để tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản cất cánh.

Đặc biệt, các đại biểu cũng trao đổi về những bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu, từ quy hoạch của địa phương, đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý từ các cơ quan chức năng trong nước mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó đề xuất, hiến kế các thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, xuất khẩu, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục