Tạo hành lang pháp lý toàn diện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

08:27' - 17/07/2021
BNEWS Đến giai đoạn 2030 - 2045, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông.

Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển, ưu đãi đầu tư.

Tuy nhiên, năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khiến bị ảnh hưởng lớn khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy do tác động dịch COVID-19.

Để hiểu rõ về vấn đề này cùng các giải pháp phát triển trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thực trạng cũng như hiệu quả đem lại từ các cơ chế chính sách trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Công Thương hiện nay?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển cho ngành này như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ,…

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh triển khai một số chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để mở rộng thị trường và nâng cao trình độ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Ví dụ như các Dự án hợp tác với Samsung trong Chương trình phát triển nhà cung cấp; Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng; Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp…

Các hỗ trợ này đã giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nội địa.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật...

Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.

Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể, đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa là từ 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy. Với sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe tỷ lệ nội địa hóa đạt tỷ lệ tới 55%...

Nhìn chung, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã điều chỉnh phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới với nhiều giải pháp thực chất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Phóng viên: Dù nhận được nhiều sự quan tâm, song công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thực sự chuyển mình. Vậy theo ông nguyên nhân là do đâu?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thực tế, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành công nghiệp. Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh. Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và thiếu sự chủ động về các vật liệu cơ bản.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của nhà nước cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ quá ít ỏi, chưa đủ mạnh và hiệu quả. Nhận thức của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương về vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong việc nuôi dưỡng nguồn thu, xây dựng nội lực và tự cường đất nước trong dài hạn còn hạn chế.

Ngoài ra, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm được ban hành và chưa đồng bộ, nhất quán. Quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ còn yếu, công nghiệp hỗ trợ chưa được xác định trong hệ thống thống kê quốc gia; chưa có tiêu chuẩn quốc gia về công nghiệp hỗ trợ.

Phóng viên: Ngoài yếu kém về năng lực thì sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.

Theo tổng hợp, trong số doanh nghiệp cung cấp cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% các doanh nghiệp đó là các công ty đầu tư nước ngoài (FDI) có trụ sở tại Việt Nam. Chỉ có 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.

Mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn vẫn còn hạn chế. Ví dụ, trong ngành công nghiệp ô tô có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đang hoạt động, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng do đó chưa chủ động tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Cùng đó, quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác.

Phóng viên: Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang là động lực chính của ngành công nghiệp Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, mũi nhọn nào và cần có những chính sách ưu tiên gì để phát triển, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Dựa trên những lợi thế của Việt Nam và của ngành, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; một số ngành, lĩnh vực cơ khí trọng điểm như: ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…

Đến giai đoạn 2030 - 2045, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo chủ trương tập trung vào 7 nhóm chính sách trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên. Các nhóm bao gồm: Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên;

Chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp;

Chính sách khai thác tài nguyên, khoáng sản và chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp.

Phóng viên: Thưa ông, làm thế nào để các chính sách thực sự đem lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển? Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thời gian tới sẽ có kế hoạch gì để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh hơn?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Để nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đạt trình độ khu vực và toàn cầu trong quá trình phát triển, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước phát triển.

Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng phải tích cực mở rộng thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cùng với quá trình đó sẽ tiếp nhận quy trình kỹ thuật và kỹ năng sản xuất từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất.

Nhà nước cần có chính sách để định hướng các nguồn lực xã hội vào khu vực sản xuất; có chủ trương nhất quán trong dài hạn, phân bổ nguồn lực đủ lớn hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến chế tạo đạt trình độ khu vực và quốc tế để tận dụng tối đa lợi ích các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Nghị quyết 115/NQ-CP đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp;

Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức liên quan tích cực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo ra hành lang pháp lý toàn diện để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo cơ hội kết nối, giao thương giữa doanh nghiệp các nước, thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục