Tạo liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài

14:59' - 17/06/2020
BNEWS Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều nước trong khu vực cũng sẽ là nơi để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài lựa chọn; trong đó, có Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA). Đây chính là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn hậu dịch COVID-19.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) để tìm hiểu rõ vấn đề này.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở thời điểm này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, đây là cơ hội lớn của Việt Nam để đón nhận dòng vốn chuyển dịch này. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều nước trong khu vực cũng sẽ là nơi để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài lựa chọn; trong đó, có Việt Nam. Nhưng Việt Nam đang có lợi thế về thị trường lao động, quan hệ với thị trường quốc tế tốt.

Ví dụ, Việt Nam có quan hệ với 11 nước trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quan hệ thị trường với các nước trong khối EU qua Hiệp định EVFTA; quan hệ thị trường với Mỹ đang rất tốt. Bên cạnh đó, hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới, thương hiệu Việt Nam rất tốt đẹp...

Như vậy, nếu các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì cũng được hưởng các lợi thế đó. Tôi cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ưu tiên cân nhắc lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.

Phóng viên: Vậy, Việt Nam cần phải làm gì để đón nhận cơ hội này, thưa ông?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Vấn đề đặt ra là Việt Nam đón nhận điều này như thế nào? đón nhận bằng cái gì? Chúng ta có đủ hạ tầng để đảm bảo khi nhà đầu tư vào có hoạt động hiệu quả hay không...?

Theo tôi, việc này không chỉ về hạ tầng giao thông, logictis, ngay cả mặt bằng tại các khu công nghiệp được đầu tư như thế nào về: điện, nước, đường giao thông... Đây là một yếu tố mà chúng ta cần phải tính đến.

Tôi cho rằng, lúc này Chính phủ không chỉ dùng nguồn vốn đầu tư công để làm đường, hạ tầng, mà thậm chí Chính phủ phải đầu tư cùng doanh nghiệp trong  nước làm hạ tầng khu công nghiệp; đầu tư các dịch vụ cung cấp cho nhà sản xuất. Ví dụ: điện, nước, viễn thông...

Bên cạnh đó, cần phải cải cách về mặt thể chế, rõ ràng; về mặt thủ tục hành chính phải thông thoáng... đúng nghĩa là để đón nhận, mời chào các nhà đầu tư. Còn nếu như để người ta đến mà phải xin mình thì không được.

Phóng viên: Việt Nam sẽ lựa chọn các nhà đầu tư như thế nào để đạt được tối đa hiệu quả, thưa ông?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Theo tôi, Việt Nam phải lựa chọn thật kỹ các nhà đầu tư nước ngoài. Lựa chọn ở đây là chúng ta phải tìm đến các nhà đầu tư, xem những ai cần đến với chúng ta thì gặp gỡ, mời họ về với mình. Đừng để tình trạng ngồi chờ người ta đến xin mình, như vậy chỉ có việc người ta không tìm được chỗ nào thì mới đến với mình.

Tôi cho rằng, đây là giai đoạn mà Việt Nam phải đi tìm, mời chào và tìm đúng nhà đầu tư mong muốn theo chiến lược đề ra. Bởi các nhà đầu tư cũng đang suy nghĩ, tính toán, cân nhắc xem nên đầu tư vào đâu? Vậy thì chúng ta phải tìm đến họ, mời chào, lôi kéo họ về với ta.

Một điểm nữa là, khi đã đón nhận được các nhà đầu tư thì cũng không bỏ mặc họ. Tránh tình trạng như đã xảy ra trước đây, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư và hoạt động tại một khu vực độc lập, còn doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn cứ "lang thang" ở ngoài, không có sự liên kết.

Rõ ràng, khi có một "đại bàng" mẹ đến làm "tổ" rồi thì chúng ta cũng cần phải kết nối được với một đàn "đại bàng" con trong nước. Tức là doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư rồi thì cũng phải kết nối được với doanh nghiệp trong nước.

Tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài vào và họ làm một mình, mà phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, tạo ra được kết nối về chuỗi cung ứng, dần dần buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển dần hoạt động giống như doanh nghiệp trong nước.

Phóng viên: Vậy theo ông, Chính phủ cần có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có thể liên kết được với các nhà đầu tư nước ngoài?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, đây là giai đoạn mà Chính phủ phải hỗ trợ cho các tập đoàn lớn có tiềm lực ở Việt Nam để họ đủ sức tiếp cận được với các doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí, không chỉ hỗ trợ về chính sách mà có thể hỗ trợ bằng tiền.

Tôi cũng đã phát biểu trên Hội trường: "Không có lý do gì mà chúng ta lại không để cho các doanh nghiệp thêm tiềm lực về vốn, nhất là tiền vốn quốc tế. Bởi, bây giờ chúng ta mời nhà đầu tư nước ngoài vào để làm gì? Để họ mang vốn, kinh nghiệm vào Việt Nam.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cũng có kinh nghiệm nhưng lại thiếu vốn. Vậy tại sao ta không hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để họ đầu tư vốn vào Việt Nam. Thậm chí, chúng ta đi vay vốn quốc tế về để cho các doanh nghiệp này làm còn tốt hơn là mời nhà đầu tư vào và để tự họ làm, họ hưởng".

Tôi cho rằng, cần có chính sách để cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước được tiếp cận nguồn vốn quốc tế và họ dùng nguồn vốn đó để vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh; bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài, mua công nghệ, thậm chí mua cả một nhà máy về trở thành sản xuất trong nước.

Tóm lại là phải có sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Khi đó, đầu tư nước ngoài mới tạo sự lan toả cho các hoạt động kinh tế trong nước./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục