Thời cơ vàng đón "sóng" FDI

08:54' - 16/06/2020
BNEWS Một làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới đang hình thành, đây chính là cơ hội cho nhiều quốc gia tiếp nhận FDI, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những khiếm khuyết của những mô hình và giá trị truyền thống làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặt các tập đoàn đa quốc gia trước những thách thức phải thay đổi. Một làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới đang hình thành, đây chính là cơ hội cho nhiều quốc gia tiếp nhận FDI, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Để có cái nhìn rõ hơn về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc đón làn sóng đầu tư này, Phóng viên BNEWS/TTXVN giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài.

* Cơ hội nào cho Việt Nam?

Sự dịch chuyển FDI trên thế giới không phải bây giờ mới xuất hiện. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và những mâu thuẫn địa chính trị khu vực châu Á Thái Bình Dương trở nên gay gắt. Nhiều quốc gia, tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia trên thế giới đã và đang trong quá trình thực hiện chính sách đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng sản xuất của họ, Chính sách Trung Quốc cộng 1 là một thí dụ điển hình mà nhiều quốc gia và tập đoàn xuyên quốc gia đang hướng tới.

Trong bối cảnh đó, dịch COVID-19 xuất hiện là cú hích mạnh tạo nên làn sóng dịch chuyển đã được hình thành từ những năm trước. Mô hình đa dạng chuỗi cung ứng, mô hình mạng lưới cung ứng, liên kết sẽ bảo đảm an toàn và hiệu quả, tính bền vững cho chuỗi sản xuất hàng hóa.

Với chính sách hướng nội và đa dạng hóa mạng lưới sản xuất và cung ứng, gần đây, Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động xây dựng kế hoạch dich chuyển, sắp xếp lại các doanh nghiệp FDI của họ sau cú sốc lớn do COVID- 19 gây ra. Nhật Bản đã quyết định chi  2,2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI của họ chuyển sản xuất về nước và sang nước thứ ba. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đẩy mạnh kế hoạch di chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất khỏi Trung Quốc về Mỹ, sang một số nước để giải quyết việc làm tại Mỹ và an toàn cho chuỗi sản xuất hàng hóa.

Trước cơ hội dịch chuyển đó đang mở ra cơ hội mới cho Việt Nam. Việt Nam đang là điểm sáng của thế giới trong xử lý và khắc phục dịch bệnh COVID-19, được tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia đánh giá cao. Việt Nam đã trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong nước đã trở lại bình thường. Với việc khắc phục hiệu quả dịch bệnh, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia có hệ thống tổ chức hiệu quả, có sự đồng thuận và lòng tin giữa người dân và Chính phủ.  

Điều quan trọng nhất, nền kinh tế của Việt Nam có sức chịu đựng trong khủng hoảng cao. Trong khi kinh tế nhiều nước trên thế giới đi vào suy thoái do tác động của dịch COVID-19, GDP quý 1/2020 của Việt Nam vẫn tăng 3,82%, Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo cả năm GDP Việt Nam tăng 2,7%. Đa số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dự kiến mở rộng sản xuất sau dịch, nhiều nhà đầu tư châu Á, Mỹ, châu Âu coi Việt Nam là điểm đến an toàn cho FDI mới hoặc sẽ dịch chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam.

Lợi thế của Việt Nam thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển còn thể hiện trên những nền tảng rất cơ bản. Sau hơn 30 năm hội nhập, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thu hút FDI đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Indonesia. Với Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và với việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu - EU (EVFTA và EVIPA),Việt Nam đã thể hiện một quyết tâm chiến lược trong cải cách thể chế kinh tế thúc đẩy tiến trình và nâng cao chất lượng hội nhập, phát triển.

Mới đây, đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia  đạt được thỏa thuận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số địa phương Việt Nam về việc di dời sang Việt Nam hàng chục xí nghiệp FDI quy mô lớn, như Apple (Mỹ) chuyển xí nghiệp sang Việt Nam  để sản 30% tai nghe không dây xuất khẩu, Panasonic (Nhật Bản) chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt từ Băng Cốc (Thái Lan) sang Hà Nội.

Đó là những tín hiệu lạc quan và là cơ hội tạo ra từ sự dịch chuyển FDI trên thế giới, song những lực cản cho dòng dịch chuyển FDI trên quy mô toàn cầu cũng không hề nhỏ.

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, bài toán lợi ích và lợi nhuận (trước mắt và dài hạn) luôn là ưu tiên hàng đầu, một cuộc di dời chỉ xảy ra khi có những lợi thế so sánh vượt trội. Chính vì vậy Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia bên cạnh sự hối thúc còn đưa ra những chính sách khuyến khích, gói hỗ trợ kinh tế rất lớn để thực hiện sự dịch chuyển các doanh nghiệp FDI của họ.

Thứ hai, các nước có nguy cơ nhiều xí nghiệp FDI rời đi sẽ tìm mọi cách để giữ chân nhà đầu tư như thay đổi chính sách theo hướng tạo thuận lợi, mở rộng ưu nhà đầu tư.

Thứ ba, rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ thu hút dòng FDI dịch chuyển này. Ấn Độ, quốc gia 1,3 tỷ dân, quy mô nền kinh tế vượt trội, trình độ lao động và hệ thống đào tạo kỹ sư tiên tiến đang có tham vọng thu hút hàng nghìn công ty lớn trong quá trình dịch chuyển FDI.

Trong khu vực ASEAN, không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Myanmar, đặc biệt là Indonesia với lợi thế dân số gấp 3 lần Việt Nam, GDP trên 1000 tỷ USD, hiện thu hút FDI cao hơn Việt Nam cũng đang tung ra nhiều chính sách và chương trình ưu đãi thu hút dòng FDI dịch chuyển.

* Làm gì để tận dụng cơ hội vàng?

Để không bỏ lỡ thời cơ hội vàng lần này, cần biến quyết tâm "Chống dịch như chống giặc"của Chính phủ và cộng đồng xã hội thành quyết tâm phát triển. Tinh thần đó cũng cần được áp dụng để tận dụng cơ hội thu hút FDI lần này.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần thực thi những giải pháp cụ thể sau:

Cần chuẩn bị đầy đủ mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao hiện có và xây dựng các KCN, KCX mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tạo thuận lợi về thủ tục để tiếp nhận các nhà máy, xí nghiệp FDI chuyển đến Việt Nam. Đặc biệt, có thể xây dựng các thủ tục rút gọn đối với các nhà máy FDI dịch chuyển so với các dự án mới để tiết kiệm thời gian, nhanh chóng đi vào hoạt động sau khi di dời, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ưu tiên phát triển hệ thống logistics: Vận chuyển, kho bãi, hệ thống giao thông, bến cảng, sân bay... Đơn giản hóa các thủ tục lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm thiểu chi phí logistics tại Việt Nam. Hiện tại chi phí logistics tại Việt Nam còn khá cao trong khu vực.

Chi phí nhân công đang là lợi thế của Việt Nam, song cần có chính sách và chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận những dự án FDI chất lượng, công nghệ cao.

Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khủng hoảng sau đại dịch, có chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo kết nối hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, phát huy vai trò đầu tầu dẫn dắt của các tập đoàn kinh tế trong nước đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng các chuỗi sản xuất trong nước có thể hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp FDI như công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ.

Để tránh rủi ro khi các dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường lợi dụng dòng dịch chuyển FDI vào Việt Nam, cần có chính sách và giải pháp chọn lọc các dự án có công nghệ tốt, hiệu quả sử dụng năng lượng cao, thân thiện môi trường... Chọn lọc kết hợp với hậu kiểm sẽ là giải pháp an toàn và hiệu quả.

Nâng cao trách nhiệm và năng lực của cán bộ công chức, minh bạch chính sách và cải cách thủ tục hành chính là những nội dung then chốt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tổng cục Hải Quan đang soạn thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa là những tín hiệu tích cực./.

Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục