"Tạo" năng lực quản trị mới cho doanh nghiệp công thương

13:50' - 15/12/2015
BNEWS Các Tập đoàn Dầu khí, Dệt may hay Than - Khoáng sản là những đơn vị đầu ngành, đi đầu trong công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc gặp mới đây với các doanh nghiệp ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp ngành phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu để kinh doanh hiệu quả và từ đó tăng sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Thủ tướng yêu cầu, trong tái cơ cấu phải thực hiện cổ phần hóa, tạo ra đa sở hữu để tạo ra năng lực quản trị mới, đi cùng với đổi mới công nghệ để hạ giá thành và nâng cao năng suất lao động.

Để thực hiện công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp, tiến tới hội nhập, các doanh nghiệp cũng đã từng bước xây dựng và triển khai đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, là doanh nghiệp có đặc thù sản xuất khai thác than và khoáng sản, TKV đã điều chỉnh mục tiêu từ “Chiến lược kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than”, tiến hành thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp, tập trung vào 5 ngành sản xuất kinh doanh chính là than, điện, khoáng sản, hoá chất, cơ khí mỏ.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đồng thời, TKV tiến hành cổ phần hoá; cơ chế điều hành, phân cấp, phân quyền được đổi mới theo đề án tái cấu trúc nhằm tăng cường tính chủ động của các đơn vị thành viên, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.

Cụ thể, TKV đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các công ty thành viên 2 cấp thành công ty 1 cấp, bỏ cấp trung gian để chuyển thành chi nhánh thuộc TKV; sắp xếp chuyển đổi 10 công ty con hạch toán độc lập thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc công ty mẹ - Tập đoàn TKV.

Tập đoàn cũng sắp xếp tổ chức, xây dựng lại định biên lao động cho các ban chuyên môn giảm từ 28 xuống còn 22 Ban đầu mối. Khối các đơn vị sản xuất cũng đã quyết liệt thực hiện tinh giản, thu gọn bộ máy đảm bảo tối đa 15 phòng nghiệp vụ.

Hiện nay, các doanh nghiệp khai thác của TKV đang tiếp tục tinh giản lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động phụ trợ, phục vụ và lao động quản lý (trước đây gọi là gián tiếp), đảm bảo số lao động này phải giảm hàng năm từ 2-6% cho đến khi đạt tỷ lệ phù hợp.

Riêng năm nay, cơ cấu lao động gián tiếp giảm từ 12% xuống 9%. Qua đó giải phóng năng lực sản xuất của các đơn vị trong toàn Tập đoàn, tạo ra sức bật năng suất, tăng công suất khai thác của các mỏ than. Hầu hết các chỉ tiêu đều có mức tăng trưởng từ 2-10% so với năm 2013 (năm trước khi thực hiện tái cơ cấu).

Theo lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp, TKV cũng đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hoá 5 đơn vị đảm bảo đúng lộ trình cổ phần hoá các doanh nghiệp theo đúng kế hoạch đặt ra.

Một doanh nghiệp khác cũng có đóng góp nghìn tỷ cho ngân sách là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đã triển khai tái cơ cấu để tạo tiền đề giúp đơn vị đối ngoại và hợp tác quốc tế dầu khí, tìm kiếm các dự án tốt ở nước ngoài để đầu tư, đồng thời kêu gọi các công ty dầu khí lớn có uy tín trên thế giới tham gia đầu tư vào các dự án của Tập đoàn.

Quyền Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, PVN đã triển khai và hoàn thành niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) lên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh ngày 31/3/2015; thực hiện tái cơ cấu tại Oceanbank theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

PVN đã hoàn thành công táctái cơ cấu 8 đơn vị thành viên. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, PVN đã trình và đang tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền về Đề án thành lập Tổng công ty Lọc – Hoá dầu, Đề án thành lập Tổng công ty Cơ khí đóng mới sửa chữa phương tiện nổi.

Bên cạnh đó, PVN đã hoàn thành phê duyệt sửa đổi bổ sung phương án tái cơ cấu của 8 đơn vị Tổng Công ty dầu Việt Nam ( PVOil), Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam ( PVPower) , Tổng công ty công nghệ năng lượng dầu khí Việt Nam ( PVEIC), Tổng công ty phân bón Hoá chất dầu khí ( PVFCCo) ...

Hoàn thành báo cáo Bộ Công Thương xin chủ trương thành lập công ty điều hành dầu khí của Tập đoàn tại khu vực nam các nước SNG; phê duyệt kế hoạch và đang triển khai thực hiện công tác cổ phần hoá PVPower, PVOil.

Với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trên 80 công ty thành viên với quy mô lớn nhỏ, hoạt động rời rạc, bài toán đặt ra là phải liên kết thành một chuỗi để tạo hiệu quả cao nhất. Đây cũng là nhiệm vụ trong đề án tái cơ cấu của Tập đoàn.

Tập đoàn dệt may Việt Nam tăng cườngsắp xếp doanh nghiệp theo hướng gia tăng liên kết chuỗi . Ảnh: Quách Lắm/TTXVN

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tập đoàn thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp lại và liên kết họ với nhau trong chiến lược, tầm nhìn chung, tránh sự cạnh tranh nội bộ cũng như sự phát triển không có chiến lược xuyên suốt. 80 công ty thành viên hoạt động đơn lẻ sẽ được gom lại thành 10 công ty lớn. Những cơ sở yếu kém sẽ phải sáp nhập hoặc cắt bỏ. Các nguồn lực về vốn sẽ được tích lũy để tạo ra lợi thế từ quy mô.

Chiến lược xuyên suốt là chuyển đổi mô hình từ gia công may lên sản xuất trọn gói và cao hơn nữa là sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM). Tập đoàn đã hướng tới mục tiêu chiến lược nâng cấp và liên kết các công ty thành viên theo mô hình ODM nhằm đạt được tầm nhìn và nhiệm vụ của đề án tái cấu trúc doanh nghiệp mà Tập đoàn đã đề ra.

Hiện nay, Vinatex đang thực hiện một số giải pháp mang tính chiến lược như tập trung kêu gọi nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về các sản phẩm còn thiếu hụt ở Việt Nam như nguyên liệu xơ visco, polyester, đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu để đảm bảo tăng tỷ trọng so với những năm trước đây, để tạo nguồn nguyên phụ liệu trong nước, ổn định sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Cùng với phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất có công nghệ dệt may tiên tiến, Vinatex cũng quy hoạch lại việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ phát triển thị trường, thiết kế giỏi, sáng tạo.

hông qua quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị được một lượng vốn lớn để tiếp tục đầu tư, nâng cao công nghệ, hiệu quả sản xuất và năng suất lao động. Điều này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tăng hơn nữa tính cạnh tranh quốc tế.

Bộ Công Thương cho hay, Bộ đang tiếp tục triển khai công tác cổ phần hoá, sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời có các văn bản chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ triển khai, đẩy mạnh công tác này.

Đối với việc cổ phần hoá Công ty mẹ, các Tập đoàn, Tổng công ty, đến nay, Bộ đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá đối với các Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Máy và Thiết bị công nghiệp, Giấy Việt Nam. Đối với Công ty Xây lắp vật liệu xây dựng V và Công ty Điện máy và đầu tư, Bộ đã chỉ đạo thực hiện bán cổ phần lần đầu cho các nhà đầu tư, người lao động và hoàn thành cổ phần hoá trong tháng 12/2015.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành tiêu chí phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện cổ phần hoá theo quy định tại QĐ 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/60215 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung thay thế QĐ 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, để xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, góp phần tăng sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục