Tạo nguồn cung thực phẩm an toàn cho Tp. Hồ Chí Minh

18:58' - 22/09/2017
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng được nhiều mô hình tốt và phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tạo nguồn cung thực phẩm an toàn cho Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực phẩm trên địa bàn, do đó cần sự phối hợp cung ứng, tạo nguồn cung thực phẩm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, là các mặt hàng thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và số lượng.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Liên kết vùng dự án và các tỉnh lân cận cung cấp sản phẩm an toàn cho Tp. Hồ Chí Minh, do Ban Quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 22/9.

Theo Ban Quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm, Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng được nhiều mô hình tốt và phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn gồm: quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn; xây dựng chợ truyền thống đạt tiêu chí an toàn thực phẩm...

Bên cạnh đó, thông qua thực hiện xây dựng mô hình thí điểm và triển khai phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý đề án chuỗi cấp 134 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 53 cơ sở thuộc địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An... với tổng sản lượng hơn 78.198 tấn/năm.

Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với 21 tỉnh, thành phố triển khai kiểm soát cung cấp rau, thịt an toàn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, hiện nay các Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thịt lợn, trứng gia cầm, rau củ, quả... cũng đang được Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt.

Mặc dù, việc tạo nguồn cung thực phẩm và kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, với khoảng 70% lượng nông sản thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố có nguồn gốc từ các địa phương khác, trong khi việc sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt tại các tỉnh đang là vấn đề nóng đòi hỏi sự chung tay giải quyết.

Mặt khác, sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún; còn các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình nên phần lớn trang thiết bị, nhà xưởng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động và nỗ lực hơn nữa để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ tìm đầu ra cho các nông hộ sản xuất sản chất lượng, an toàn thực phẩm...

Song song đó, mạnh tay và quyết liệt xử lý dứt điểm các đơn vị sản xuất, cung cấp và tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái...

Cụ thể, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ An Hạ, cho biết, khi triển khai tạo nguồn cung thực phẩm và kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cần đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các đề án.

Ngoài ra, các sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận nên liên kết chặt chẽ hơn nữa trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về trao đổi thông tin cung - cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất.

>>>Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục