Thực phẩm an toàn và người tiêu dùng thông thái: Bài 2 - Cần nhiều giải pháp đồng bộ

10:31' - 20/09/2017
BNEWS Thị trường nông sản, gia súc, gia cầm rất phong phú, đa dạng và khó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm tồn dư hóa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản; các thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản vẫn chưa được kiểm soát hết.

Những thách thức này đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan và bản thân người sản xuất, hộ kinh doanh và người tiêu dùng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Thị trường nông sản, gia súc, gia cầm rất phong phú, đa dạng và khó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm tồn dư hóa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Tuyết Nhung ở quận Hoàng Mai, Hà Nội băn khoăn: Hiện nay, trên mạng đang lan truyền một số biện pháp để làm giảm dư lượng thuốc trừ sâu trên hoa quả, rau như ngâm rau, hoa quả vào nước gạo… Không biết những làm cách này có đạt hiệu quả hay không.

Rau sạch hữu cơ bán tại các siêu thị. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Thuốc bảo vệ thực vật có loại tác động tiếp xúc, có loại tác động thấm sâu, có loại tác động nội hấp, lưu dẫn nên không thể loại trừ hoàn toàn dư lượng trong trái cây khi đã sử dụng hóa chất, chỉ giảm bớt phần nhỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có tác động tiếp xúc bằng biện pháp rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước ozon 10 phút. Do đó, không thể giảm bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với các loại thuốc có tác động thấm sâu, tác động nội hấp, lưu dẫn.

Các văn bản quy định hiện hành không có khái niệm rau sạch mà chỉ có khái niệm rau an toàn, rau VietGAP, rau hữu cơ. Theo quy định, vẫn được sử dụng hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật) nhưng nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn sử dụng trên rau, khi thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly.

Đối với rau hữu cơ, toàn bộ vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) không sử dụng hóa học. Nếu sâu bệnh đến ngưỡng gây hại mà không khống chế được bằng biện pháp thủ công, chế phẩm thảo mộc, vẫn được phép sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học nhưng khi thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly.

Việc lựa chọn thịt gia súc như thế nào cho an toàn cũng là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm khi vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý.

Về vấn đề này, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển Chăn nuôi Hà Nội cho biết: Để có thực phẩm an toàn đòi hỏi sản phẩm phải được sản xuất theo chuỗi, theo gói, có nhãn mác... Đây là cơ sở để phát triển bền vững. Ở các nước phát triển, thực phẩm xuất khẩu cũng làm theo mô hình này.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, người tiêu dùng khi mua hàng cần lựa chọn địa điểm bán hàng uy tín, chất lượng; sản phẩm có tem nhãn, địa chỉ rõ ràng; lựa chọn những sản phẩm có màu sắc tươi xanh tự nhiên, cầm chắc tay, bề ngoài nguyên vẹn không bị trầy xước.

Đối với rau xanh, người tiêu dùng nên mua rau theo mùa, không mua các loại rau có thân,lá mập, xanh non hơn mức bình thường. Đối với các loại quả, nên chọn mua "mùa nào thức ấy" và sử dụng nhiều loại quả có lớp vỏ dày như chuối, cam, bưởi...

Cần nhiều giải pháp

Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, thuốc bảo vệ thực vật có chức năng bảo vệ cây trồng, là một biện pháp trong việc phòng chống sâu bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng quá liều lượng cũng như không phù hợp với từng loại cây trồng đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, môi trường và tăng chi phí sản xuất.

Hiện nay, nhiều nông dân chưa được đào tạo về kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật bảo vệ cây trồng, dẫn đến tình trạng nông dân phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, không bảo đảm thời gian cách ly. Do đó, vẫn còn nông sản cung ứng ra thị trường không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Để tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành văn bản về quản lý mặt hàng này. Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân, đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Tuy nhiên, trước tình trạng "loạn" thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường như hiện nay, nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn gốc rau, củ, quả bán ở các chợ cùng với nâng cao nhận thức cho người sản xuất, nỗi lo về thực phẩn "bẩn" vẫn còn hiện hữu trong từng bữa cơm gia đình.

Để có những sản phẩm gia súc, gia cầm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng, các nhà chăn nuôi, sản xuất đang xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, đảm bảo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Trọng Long, Hợp tác xã Hoàng Long (Hà Nội) cho biết: Người sản xuất thực hiện việc sản xuất theo chuỗi từ con giống, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Chúng tôi cam kết không sử dụng chất gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dùng.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Theo đó, sẽ có 11 điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp, 37 điểm quy hoạch giết mổ tập trung nhằm từng bước xóa bỏ những điểm giết mổ nhỏ, lẻ trong dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi thực phẩm “bẩn” vẫn trà trộn trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, ngoài việc người tiêu dùng biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm “bẩn”, còn rất cần đạo đức trong sản xuất và kinh doanh của người sản xuất, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục