Tạo sự nhất quán và đồng bộ trong kinh doanh thương mại điện tử

10:50' - 26/10/2016
BNEWS Sáng 26/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tọa đàm Chính sách quản lý kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử qua biên giới.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 26/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tọa đàm Chính sách quản lý kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử qua biên giới nhằm thảo luận về cơ chế quản lý; hướng tới xây dựng quy định điều chỉnh các website, ứng dụng cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, đối với quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử qua biên giới cần tạo sự nhất quán và đồng bộ trong việc xác định tính chất hoạt động đối với dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, đảm bảo công bằng, minh bạch trong hệ thống pháp luật.

“Nhà đầu tư bên ngoài có lợi thế hơn nhà đầu tư trong nước. Do đó, đặt ra vấn đề ứng xử như thế nào của cơ quan quản lý nhà nước, để qua đó, không hạn chế và triệt tiêu kinh doanh mà quan trọng là thúc đẩy đảm bảo trật tự, công bằng và minh bạch”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã hình thành các doanh nghiệp chuyên kinh doanh thương mại điện tử. Các doanh nghiệp này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát triển hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sớm nhất, có doanh thu quảng cáo, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, tiền thuế do doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp vào ngân sách nhà nước lại không tương ứng với doanh thu thực tế.

Qua công tác thanh tra theo cơ chế quản lý rủi ro, cơ quan thuế ở hai địa bàn này đã phát hiện và truy thu hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.

Việc quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong việc xác định doanh thu, chi phí, thu nhập để có thể tiến hành quản lý tiền thuế phát sinh đối với hoạt động này vào ngân sách nhà nước bình đẳng với kinh doanh truyền thống.

Tại buổi tọa đàm, một số ý kiến đặt ra những vấn đề liên quan tới chính sách thuế áp dụng đối với doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai nộp thuế có gì khác nhau? Việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp, cá nhân được thực hiện như thế nào? Trường hợp nào không phải nộp thuế? …và làm thế nào để chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội tư vấn thuế cho biết, việc quản lý, thanh, kiểm tra trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn.

Bởi quản lý, thanh kiểm tra trong lĩnh vực này đòi hỏi yêu cầu cao hơn so với thanh tra thuế thông thường.

Theo bà Cúc, trong quá trình thanh tra, cần phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng liên quan mới có xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán hàng hóa trên hệ thống máy tính, chủ của doanh nghiệp…

Tiến sĩ Võ Chí Hảo, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dẫn chứng, đối với Uber là mô hình kinh doanh thương mại điện tử.

Với mô hình này, xét từ góc độ dân sinh, người dân được hưởng dịch vụ đi lại thuận tiện nhất, rẻ nhất, an toàn nhất. Xét từ góc độ tiếp cận văn minh của dân tộc, thì người Việt cần tiếp cận công nghệ mới nhất.

Tuy nhiên, thuế suất giảm sẽ khuyến khích cả hai nhân tố này. Nhưng nâng cao tổng nguồn thu thuế cũng góp phần cải thiện dân sinh, phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, tổng nguồn thu thuế không luôn tỷ lệ thuận với nâng thuế suất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục