Tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số

20:22' - 06/09/2017
BNEWS Công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh sẽ là những điểm sáng cần tập trung đầu tư phát triển để Việt Nam có thể nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế số thế giới.
Đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Chiều 6/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ITC Summit 2017) đã bế mạc sau 4 phiên thảo luận chung về những vấn đề quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0).

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình khẳng định: “Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang ngày càng hiện hữu với những tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới với trình độ phát triển khác nhau đã xây dựng và triển khai chiến lược, qui hoạch, kế hoạch chuyển đổi số để thích ứng và làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Vũ Đức Đam, của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng rất nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả, các chuyên gia và đại biểu, Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam lần thứ 7 đã đưa ra thông điệp chính với sự thống nhất, hoan nghênh của đông đảo đại biểu tham dự diễn đàn.

Theo đó, Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 nhận thức sâu sắc rằng cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào nhận thức, khát vọng và sự dấn thân của lãnh đạo đất nước, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cho việc hiện thực hóa khát vọng này. Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Việt Nam cần phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.

Để thực hiện được sự thay đổi mang tính cơ bản về môi trường công nghệ thông tin trong nước, trước hết Việt Nam phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia để định hướng phát triển kinh tế, xã hội số.

Đây là cơ sở để xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm nhằm góp phần thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tái cơ cấu nền kinh tế. Các bước đột phá chiến lược cần phải được diễn ra trên cơ sở chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ.

Ý kiến của chuyên gia tại diễn đàn đều thống nhất mong muốn cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội cùng phối hợp hành động quyết liệt và kịp thời bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Trong đó, sự liên kết giữa 3 bộ phận cơ bản của xã hội là Cơ quan nhà nước – Doanh nghiệp – Trường đại học, viện nghiên cứu sẽ giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện phối hợp hành động.

Để tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, Việt Nam cần tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Trước mắt, công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh sẽ là những điểm sáng cần tập trung đầu tư phát triển để Việt Nam có thể nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế số thế giới.

Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan liên quan đến việc quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông cần tháo gỡ mọi rào cản, xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực chính của nền kinh tế số.

Tham dự diễn đàn, các chuyên gia công nghệ cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng mới, đưa các nội dung liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 vào hệ thống giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của khoa học kỹ thuật và xã hội.

Cùng với nhân lực, vấn đề xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung một cách chuẩn hóa và “mở” để làm nền tảng cho sự phát triển công nghệ số; tập trung xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục