Tạo thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh các sản phẩm khí

10:15' - 31/08/2022
BNEWS Doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh quy chế kinh doanh khí phù hợp với định hướng; tạo hành lang pháp lý giúp đơn vị kinh doanh có quyền chủ động ra quyết định kịp thời, linh hoạt, phù hợp với thị trường.

Hiện các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, đặc biệt vấn đề về nguồn cung, biến động giá… ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Vì thế, hoạt động kinh doanh LPG của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các đơn vị thành viên liên quan trong thời gian tới sẽ tiếp tục chịu tác động của nhiều yếu tố.

Cụ thể các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro về biến động giá LPG quá nhanh, và cao làm tăng rủi ro của đơn vị cũng như giảm tính cạnh tranh của LPG với nhiên liệu thay thế…

Tuy nhiên, với xu hướng chuyển dịch năng lượng tại thị trường Việt Nam theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa dầu đang mở ra những cơ hội phát triển tích cực góp phần mở rộng thị trường LPG nội địa.

Ông Hoàng Việt Dũng – Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh Sản phẩm khí - đơn vị thành viên của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, đối với lĩnh vực kinh doanh LNG, PV GAS dự kiến sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động kinh doanh từ cuối năm 2022 sau khi hoàn thành dự án Kho chứa LNG Thị Vải.

Thực tế hiện nay cho thấy, cần thiết phải bổ sung các cơ chế chính sách để đảm bảo quản lý kinh doanh LNG phù hợp với tình hình - doanh nghiệp này đề xuất thực tế.

Theo đó, cần có giải pháp và cơ chế kinh doanh, định hướng chiến lược của Tập đoàn cũng như đơn vị liên quan đối với hoạt động kinh doanh LPG để phát huy thế mạnh của các đơn vị trong PVN. Đồng thời, tận dụng năng lực, kinh nghiệm của toàn chuỗi nhằm giữ vững thị phần, chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ…

Một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này của PVN đề xuất cần có về cơ chế, chính sách để phát triển ổn định lĩnh vực kinh doanh LPG, LNG cho công nghiệp.

Phó tổng giám đốc PVN Lê Xuân Huyên nhận xét, thời gian qua, nỗ lực và kết quả của các đơn vị như PV GAS và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành mục tiêu chung của Tập đoàn.

Từ kết quả này, ông Lê Xuân Huyên yêu cầu các đơn vị sản xuất kinh doanh LPG cần xác định rõ định hướng, chiến lược dài hạn làm cơ sở để triển khai giải pháp thực hiện; trong đó bao gồm việc xây dựng đồng bộ chuỗi liên kết từ nguồn cung, vận chuyển, tàng trữ đến kinh doanh bán buôn, bán lẻ.

Bên cạnh việc nhận diện khó khăn thách thức, các đơn vị cần chủ động nghiên cứu thị trường, nắm bắt kịp thời những cơ hội mở ra trong tình hình xu thế chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam hiện đang và dự kiến sẽ có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn đến thị trường tiêu thụ LPG.

Các ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với đơn vị kinh doanh xây dựng, điều chỉnh quy chế kinh doanh LPG phù hợp với định hướng của Tập đoàn đồng thời tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho đơn vị kinh doanh có quyền chủ động để có thể ra quyết định kịp thời, linh hoạt trong bối cảnh thị trường liên tục phát triển và thay đổi; đồng thời, nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan đến kinh doanh LNG cho công nghiệp vào quy chế - ông Lê Xuân Huyên nhấn mạnh.

Đặc biệt, để phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua và hướng đến phát triển bền vững trong dài hạn, thời gian tới, PVN yêu cầu các ban, đơn vị trong Tập đoàn thống nhất định hướng hoạt động và phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên và vì mục tiêu chung của Tập đoàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục