Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội.
* Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm
Các ý kiến bày tỏ sự tán thành đối với quan điểm, nội dung của dự thảo Luật, thể hiện rất rõ chủ trương hành động của Chính phủ đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Qua đó, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tuy nhiên, một số ý kiến phân tích, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định điều kiện đăng ký cấp giấy thành lập và hoạt động doanh nghiệp, mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm. Để vấn đề hậu kiểm thực sự có tính khả thi, cân bằng với mục tiêu, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho khách hàng tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực về quản lý Nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, khi muốn thị trường bảo hiểm trở thành một thị trường chiến lược, cần có cơ chế, chính sách giúp thị trường phát triển một cách toàn diện, an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, khi hội nhập quốc tế, mở rộng thêm cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cần có giải pháp để dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm.
Để đạt mục tiêu này, theo đại biểu Lã Thanh Tân, yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố đầu tiên và tiên quyết. “Mặc dù phụ trợ bảo hiểm được Chính phủ đề xuất là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện tương tự như bốn ngành nghề kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, gồm kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Nhưng chủ thể được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ngoài tổ chức thì cá nhân cũng được cung cấp; trong khi bốn ngành nghề theo luật hiện hành chỉ cho phép tổ chức được cung cấp”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, đây là điểm thông thoáng trong việc mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh xu thế chung và xuất phát từ nhu cầu nội tại của thị trường bảo hiểm, cũng như yêu cầu của quản lý Nhà nước, dự thảo Luật cần nâng cao hơn nữa điều kiện về chuyên môn, tiêu chuẩn của cá nhân hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Qua nghiên cứu báo cáo giải trình, đại biểu bày tỏ sự nhất trí với việc nâng cao điều kiện về trình độ chuyên môn đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, theo hướng yêu cầu phải có trình độ tối thiểu là đại học về chuyên ngành bảo hiểm hoặc tốt nghiệp đại học trở lên đối với chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo phù hợp.
Nêu thực tế về việc giám sát hoạt động của cá nhân hiện nay so với giám sát hoạt động của các tổ chức là tương đối khó khăn, đại biểu băn khoăn, nếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà quy trình giám sát không chặt chẽ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của thị trường bảo hiểm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.
Từ những nguyên nhân đó, đại biểu đề nghị, trên cơ sở quy định tại Khoản 4, Điều 120, cần nghiên cứu để cụ thể hóa trong nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính về phương thức quản lý, giám sát đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đặc biệt, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.
Về cách thức bổ sung các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm vào Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu ý kiến về việc dự thảo bổ sung thêm dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như một nhóm thống nhất với tên gọi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trong đó có 4 nhóm cụ thể.
Các quy định có liên quan như: Giải thích từ ngữ, điều kiện kinh doanh, hợp đồng đều được quy định chung cho cả nhóm này và độc lập với các dịch vụ hiện có của Luật Kinh doanh bảo hiểm như: Kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm...
Theo đại biểu, cách thiết kế này là chưa thống nhất với bản chất của dịch vụ có liên quan đến bảo hiểm cũng như thông lệ quốc tế.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh lại các quy định liên quan theo hướng gộp dịch vụ đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm vào cùng nhóm dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Phân tích nội dung của từng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, nên liệt kê các hoạt động cụ thể và có khoản mở cuối cùng là các hoạt động khác có liên quan, tương tự các quy định tại khoản cuối của các điều 85, 90 của luật hiện hành.
Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất điều chỉnh ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư theo hướng bỏ ngành nghề đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Liên quan đến dự án Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi của dự thảo Luật đã phù hợp với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi cần cụ thể hơn để không dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó cho cơ quan hải quan trong việc thực hiện quy định tạm dừng làm thủ tục đối với những lô hàng bị nghi ngờ liên quan đến sở hữu trí tuệ và tránh nhầm lẫn những hàng hóa thuộc diện phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới.
Về hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu ý kiến: “Điều 5 của Dự thảo Luật quy định “có thể bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư”. Tôi thấy quy định này không phù hợp. Cách quy định theo kiểu tùy nghi, không rõ ràng sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu, nhiều cách thực hiện khác nhau, không phù hợp với yêu cầu ban hành luật”.
* Đảm bảo tương thích, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Thay mặt Ban soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến phạm vi và đối tượng điều chỉnh của hai bộ luật rất quan trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội và có tính chuyên môn sâu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thẩm tra, dự thảo Luật đã được trình Quốc hội thảo luận và được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến đóng góp cho dự thảo luật này, Bộ Công Thương đã nhanh chóng tiếp thu nghiêm túc.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ, cũng như ý kiến thảo luận, góp ý tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay; đồng thời khẳng định các ý kiến là cơ sở hữu ích giúp Ban soạn thảo trong việc hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng đáp ứng được yêu cầu.
Riêng về nội dung liên quan đến việc yêu cầu rà roát, đánh giá lại các quy định trong dự thảo luật, cũng như các quy định liên quan đến các cam kết hội nhập mà nước ta tham gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Ban soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ và rà soát cẩn trọng các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực này, đặc biệt là một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tới đây là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, về cơ bản, những nội dung liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều đã được chuẩn bị trước để đảm bảo sự tương thích, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, thế hệ cao mà sắp tới Việt Nam sẽ ký kết.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát cẩn trọng ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của luật khi áp dụng trong thực tiễn./.
Tin liên quan
-
Ý kiến và Bình luận
Cần cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất
16:37' - 31/05/2019
Cải cách và đổi mới thể chế được nhắc tới nhiều. Song cải cách đã thực chất, đủ liều, lượng; đủ những nỗ lực để tạo đột phá giúp Việt Nam thay đổi toàn diện hay chưa là câu chuyện cần xem xét.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế khởi sắc nhưng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn
13:01' - 31/05/2019
Sáng 31/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình về những hạn chế, bất cập của nền kinh tế cần tháo gỡ trong thời gian tới.
-
Kinh tế Việt Nam
Từ năm 2019, có thể phát hiện, truy xuất tác động trái phép vào bài thi
12:45' - 31/05/2019
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chấm dứt dự án FLC tại tỉnh Kon Tum
15:51'
Ngày 4/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã ban hành thông báo số 85/TB-SKHĐT về chấm dứt hoạt động dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
-
Kinh tế Việt Nam
Hải Dương thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay
15:11'
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 22 khóa XVII diễn ra ngày 4/12, địa phương đã đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Nông sản xứ Tuyên sang thị trường châu Âu
14:19'
7 sản phẩm OCOP của Tuyên Quang được xuất khẩu sang thị trường Anh - thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh ATTP.
-
Kinh tế Việt Nam
Hình ảnh thi công dự án đường nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thành phố Đông Triều
13:24'
Dự án đường nối cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thành phố Đông Triều là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, có chiều dài 40,25 km, tổng mức đầu tư hơn 6.345 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy là việc khó nhưng không thể không làm
13:14'
Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Quảng Ninh bứt phá trong phát triển kinh tế trong năm 2025
11:22'
Năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lấy chủ đề công tác là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.
-
Kinh tế Việt Nam
11 tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 16,5 tỷ USD
11:13'
Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD.
-
Kinh tế Việt Nam
Tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 21 đầu mối, tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực
10:05'
Sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
-
Kinh tế Việt Nam
Kết nối xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc
09:29'
Đây là dịp để doanh nghiệp, người sản xuất, xuất khẩu trao đổi, kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan quản lý của Việt Nam - Trung Quốc những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc