Tập đoàn Intel xây dựng nhà máy sản xuất chip tại bang Ohio (Mỹ)

20:25' - 25/01/2022
BNEWS Ngày 25/1, hãng sản xuất chip Intel cho biết sẽ đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới ở bang Ohio (Mỹ).

Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu, đồng thời thể hiện cam kết của Intel trong việc cung ứng các thiết bị công nghệ thiết yếu tại Mỹ.

Động thái này có thể góp phần tạo ra một trung tâm công nghệ mới ở bang Ohio, trong bối cảnh các doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất chip mở các cơ sở mới và thu hút các chuyên gia. Được biết, dự án Intel là khoản đầu tư độc lập trong lĩnh vực tư nhân lớn nhất trong lịch sử của bang Ohio.

Intel cho biết hai nhà máy chế tạo tại bang Ohio sẽ phục vụ sản xuất dòng chip riêng của hãng, cũng như mảng kinh doanh gia công mới, chuyên sản xuất chip do các công ty khác thiết kế.

Các nhà máy gia công chip là nơi sản xuất số lượng lớn các loại chip được thiết kế riêng, phần lớn nằm tại châu Á. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC hiện là doanh nghiệp dẫn đầu khu vực.

Phát biểu tại một sự kiện tại Nhà Trắng, Giám đốc điều hành (CEO) của Intel - ông Patrick Gelsinger - cho biết nhà máy này sẽ giúp đáp ứng nhiều nhu cầu, trong đó có giảm sức ép chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường an ninh quốc gia Mỹ trong khi mang lại thêm việc làm trong lĩnh vực công nghệ cho khu vực.

Theo các quan chức địa phương và hãng Intel, hai nhà máy nằm trên khu đất rộng hơn 4 triệu m2 tại quận Licking, phía Đông thành phố Columbus, được kỳ vọng sẽ tạo ra 3.000 việc làm cho công ty, trong đó nhiều nhân lực tay nghề cao, và 7.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng. Bang Ohio đã vượt qua 40  bang khác để được Intel lựa chọn làm nơi lý tưởng xây dựng nhà máy chip. 

 

CEO Gelsinger cho rằng nhà máy sản xuất chất bán dẫn có đặc thù khác với những loại nhà máy khác, khi chúng giống như thành phố thu nhỏ, hỗ trợ một cộng đồng các dịch vụ, nhà cung cấp và các doanh nghiệp phụ trợ. Theo ông Gelsinger, nhà máy sản xuất chip có thể được coi là "thỏi nam châm" thu hút toàn bộ ngành công nghệ.

Tổng thống Joe Biden đã sử dụng động thái này của Intel để thúc đẩy dự luật trị giá 52 tỷ USD, đang chờ Hạ viện phê duyệt, đầu tư vào lĩnh vực chip và giúp đảm bảo gia tăng hoạt động sản xuất ở Mỹ.

Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm nay và dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2025. Ngoài ra, Intel cũng sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD cho một lộ trình giáo dục giúp bổ sung việc làm cho cơ sở này. Tổng đầu tư trong thập kỷ có thể lên đến 100 tỷ USD, với 6 nhà máy bổ sung.

Theo nhà phân tích Glenn O'Donnell của công ty nghiên cứu Forrester, một trong số các sản phẩm được chế tạo ở nhà máy Ohio là chip Intel 18A - một trong những loại chip tiên tiến nhất từng được sản xuất.

Dòng chip này cũng được sử dụng trong các loại máy tính cao cấp - phổ biến đối với những người chơi điện tử chuyên nghiệp hoặc trong các trung tâm dữ liệu do các "gã khổng lồ" Microsoft và Amazon điều hành. 

Ông Gelsinger hy vọng nhà máy Ohio cũng sẽ cung cấp chip chuyên dụng cho ô tô - một ưu tiên đối với người tiêu dùng và quan chức Mỹ, bên cạnh các sản phẩm khác như thiết bị di động. Nhà máy tại Ohio sẽ giúp giảm áp lực đối với các dây chuyền sản xuất khác của công ty.

Mặc dù vậy, theo bà Nina Turner - một nhà phân tích nghiên cứu tại công ty nghiên cứu IDC, việc tăng sản lượng chip máy tính tại Mỹ cũng không hoàn toàn bảo vệ ngành công nghiệp khỏi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt chất bán dẫn, vì chip vẫn phải được lắp ráp và đóng gói tại châu Á.

Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn, thị phần của Mỹ trên thị trường sản xuất chip trên toàn thế giới đã giảm từ 37% vào năm 1990 xuống còn 12% ngày nay và tình trạng thiếu hụt đã trở thành một nguy cơ tiềm ẩn.

Mỹ và châu Âu đang nỗ lực tự chủ nguồn cung chất bán dẫn và giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất chủ yếu có trụ sở tại châu Á. Các doanh nghiệp chất bán dẫn cũng đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động của mình để tránh tình trạng tắc nghẽn do các vấn đề bắt nguồn từ thảm họa thiên nhiên, hoặc giãn cách phòng dịch tại các khu vực cụ thể.

Theo phân tích thị trường từ Gartner Inc., Intel là nhà sản xuất chất bán dẫn số 2 trên toàn cầu, với doanh thu 73,1 tỷ USD vào năm ngoái, xếp sau Samsung Electronics của Hàn Quốc với 76 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, khu vực trung tâm Ohio, vốn được biết đến với nguồn lao động dồi dào trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, đã mở rộng việc làm sang lĩnh vực công nghệ cao, với các "đại gia" công nghệ như Amazon, Facebook và Google xây dựng các trung tâm dữ liệu trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục