Tập đoàn khai thác vàng lớn thứ 3 thế giới cắt giảm 8.500 lao động tại Nam Phi

08:02' - 29/06/2017
BNEWS Anglo Gold Ashanti, tập đoàn khai thác vàng lớn thứ 3 thế giới, xem xét cắt giảm khoảng 8.500 việc làm tại Nam Phi nhằm tái cấu trúc để hạn chế việc thua lỗ kéo dài tại đây.
Tập đoàn khai thác vàng lớn thứ 3 thế giới cắt giảm 8.500 lao động tại Nam Phi. Ảnh: AngloGold Ashanti

Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn một thông báo cho hay hiện tập đoàn này đang sử dụng hơn 28.000 lao động Nam Phi và Anglo Gold Ashanti Nam Phi đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là sự suy giảm trữ lượng quặng và việc khai thác vàng ở một số mỏ truyền thống, lâu đời đã trở nên không kinh tế và thua lỗ.

Giám đốc điều hành của Anglo Gold Ashanti tại Nam Phi, ông Srinivasan Venkatakrishnan cho biết đây là một quyết định rất khó khăn nhưng vẫn phải tiến hành vì sau một thời gian dài bị thua lỗ nặng do sản lượng khai thác thấp, một số mỏ vàng đã cạn kiệt hoặc địa hình khai thác khó khăn, nhất là độ sâu.

Do vậy, việc cơ cấu lại sản xuất, điều hành và quản lý là không thể tránh khỏi, nhưng Anglo Gold Ashanti Nam Phi sẽ nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng và tiến hành từng bước, từng giai đoạn để tránh những tác động lớn đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh ở Nam Phi và người lao động địa phương.

Ông Venkatakrishnan cam kết hỗ trợ quyền lợi cho tất cả công nhân của công ty trong quá trình tái cơ cấu này.

Trước đó, Anglo Gold Ashanti Nam Phi thông báo lợi nhuận quý I/2017 của họ đã giảm 16% do sản lượng khai thác giảm mạnh tại quốc gia châu Phi này. Hiện nay, tập đoàn AngloGold Ashanti đang có các hoạt động ở khu vực Nam Mỹ, Australia và các quốc gia ở châu Phi.

Theo các chuyên gia kinh tế Nam Phi, ngoài việc giá vàng tại các thị trường thế giới hạ thấp và sản lượng khai thác kim loại này giảm mạnh thì ngành khai thác vàng ở Nam Phi cũng đang bị ảnh hưởng đáng kể do vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường.

Gần đây, Chính phủ Nam Phi đã ban hành nhiều bộ luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng lương và tăng bảo hiểm xã hội đối với lực lượng công nhân mỏ.

Đề xuất cắt giảm việc làm trên có thể vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các hiệp hội công đoàn lao động Nam Phi, nhất là hiệp hội công nhân mỏ, mà việc phản ứng này thường bắt đầu bằng cuộc tổng đình công kéo dài.

Theo số liệu thống kê của Liên hiệp Công đoàn Nam Phi (COSATU), 5 năm qua, ngành công nghiệp khai thác mỏ ở nước này đã mất khoảng 70.000 việc làm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục