Tập đoàn “nghìn tỷ USD” phía sau thành công của tỷ phú Jeff Bezos

10:12' - 30/08/2020
BNEWS Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, làm nhiều công ty, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, có một cái tên vẫn làm nên điều khác biệt.
Một chi nhánh của Amazon tại Bretigny-sur-Orge, Pháp, ngày 19/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN 

Từ bỏ công việc đáng mơ ước tại Phố Wall khi mới 30 tuổi và khởi nghiệp bằng một khoản tiền tích lũy chưa đầy 250.000 USD, người đàn ông vừa trở thành tỷ phú đầu tiên trên thế giới có tài sản vượt ngưỡng 200 tỷ USD Jeff Bezos - “cha đẻ” của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon - đã góp phần làm thay đổi văn hóa tiêu dùng toàn cầu và đưa Amazon trở thành một trong những cái tên “nghìn tỷ USD” đình đám nhất thế giới.

* Khởi nguồn từ những cuốn sách

Ông Jeff Bezos đã nhận thấy tiềm năng khổng lồ của Internet từ những năm 1990 khi đọc được thông tin cho hay tần suất sử dụng Internet sẽ tăng với tốc độ 2.300% mỗi năm và bắt đầu ý tưởng thành lập Amazon như một cửa hàng sách trực tuyến khi đang là Phó Chủ tịch của D.E. Shaw & Co., công ty tài chính tại Phố Wall. Sách là mặt hàng được ông Bezos lựa chọn bởi đây là thị trường lớn, có giá sản phẩm thấp và có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng ở mọi nơi trên thế giới.

Chỉ hai tháng kể từ khi chính thức thành lập vào ngày 5/7/1994, Amazon đã có khách hàng tại hơn 50 bang và 45 nước, nâng doanh thu lên 20.000 USD/tuần. Cuốn sách đầu tiên mà Amazon bán được là “Fluid Concepts and Creative Analogies: Computer Models of the Fundamental Mechanisms of Thought” của tác giả Douglas Hofstadter. Tuy nhiên, thời điểm đó Amazon gần như không có lãi vì mọi nguồn thu đều được đầu tư trở lại để phát triển công ty.

Vào cuối năm 1995, doanh thu của Amazon đã đạt 511.000 USD và có 2.200 lượng truy cập mỗi ngày. Đến tháng 6/1996, công ty nhận được khoản đầu tư đầu tiên trị giá 8 triệu USD từ công ty đầu tư rủi ro Kleiner Perkins Kaulfield & Beyers. Và tới cuối năm đó, doanh thu của Amazon đã “vọt” lên con số 15,7 triệu USD. Ngày 15/5/1997 đánh dấu việc Amazon phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mã chứng khoán AMZN trên sàn Nasdaq với giá chào sàn 18 USD/cổ phiếu.

* Amazon: Cửa hiệu Mọi thứ

Tham vọng ban đầu của ông Bezos là biến Amazon trở thành “Cửa hàng sách lớn nhất thế giới”. Tuy nhiên, “con sông” Amazon của ông đã dần “lấn” sang các lĩnh vực mới. Tập đoàn bắt đầu bán đĩa CD ca nhạc vào năm 1998 - đánh dấu việc mở rộng các mặt hàng kinh doanh ngoài sách và khởi đầu cho hành trình trở thành "Everything Store" (Cửa hiệu Mọi thứ) của Amazon. Đây chính là một trong những điểm mạnh nhất của “gã khổng lồ” này, bởi bạn gần như có thể mua mọi thứ trên Amazon chỉ với vài cú click chuột.

Từ ngày 19/6/2000, logo của Amazon có thêm một đường mũi tên từ chữ A đến chữ Z, ngụ ý rằng doanh nghiệp này bán mọi thứ, và mũi tên này được vẽ theo đường vòng cung như một nụ cười. Ngoài ra, phát minh lớn nhất của Amazon phải kể đến sách điện tử Kindle được tung ra thị trường vào tháng 11/2007 và sau này cũng chính là nguồn doanh thu khổng lồ của Amazon.

Trải qua hơn 20 năm hoạt động, chốn lui tới quen thuộc đối với các tín đồ sách giờ đã trở thành doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến lớn nhất hành tinh. Ngoài ra, Amazon còn kinh doanh dịch vụ lưu trữ đám mây với Amazon Web Services hay các dịch vụ đăng ký trả phí với Amazon Prime, cùng với nguồn doanh thu “khủng” từ quảng cáo. “Đứa con cưng” của tỷ phú Bezos cũng đang tăng tốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI), với các lĩnh vực nhà thông minh như Amazon Echo Dot và Alexa.

Kết quả là, giá cổ phiếu của “ông trùm bán lẻ trực tuyến” đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 USD/cổ phiếu vào ngày 30/5/2017, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho doanh nghiệp thuộc sở hữu của tỷ phú Bezos. Hơn một năm sau đó, vào ngày 4/9/2018, tập đoàn này đã trở thành doanh nghiệp thứ hai của Mỹ, sau Apple, có giá trị vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD và gia nhập câu lạc bộ “nghìn tỷ USD” của nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Tỷ phú của tập đoàn Amazon Jeff Bezos. Ảnh: AFP/TTXVN

* Đứng vững trong đại dịch

Đầu năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Hàng triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp, trong khi danh sách những công ty, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vẫn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, có một cái tên vẫn làm nên điều khác biệt. Ngày 31/7/2020, Amazon thông báo lợi nhuận ròng của tập đoàn này trong quý II/2020 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, lên 5,2 tỷ USD (từ mức chỉ 2,6 tỷ USD), nhờ doanh số bán tăng 40% (lên 88,9 tỷ USD). Đây là kết quả hoạt động được công bố sau khi Amazon đã trừ khoản chi phí 4 tỷ USD bỏ ra để khắc phục các hậu quả liên quan đến dịch COVID-19.

Không dừng lại ở đó, Amazon cho biết kể từ tháng 3/2020, họ cũng đã tạo ra thêm 175.000 việc làm mới, trong đó có khoảng 125.000 nhân viên đã được ký hợp đồng làm chính thức, toàn thời gian. Amazon cũng đã bỏ ra 500 triệu USD tiền thưởng cho những nhân viên phải làm việc trực tiếp với khách hàng trong mùa dịch. Ngoài ra, một phần của khoản chi phí 4 tỷ USD cũng được sử dụng để tăng lương cho các nhân viên hợp đồng.

Thật hiếm khi thấy một công ty có thể hoạt động tốt trong một trận đại dịch khiến hàng triệu người thất nghiệp, mặc dù công nghệ đang là lĩnh vực hoạt động rất tốt. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến điều này, các chuyên gia cho rằng lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến người dân đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, đồng thời gia tăng mua các mặt hàng điện tử thay vì chi tiêu cho các dịch vụ khác như nhà hàng và du lịch, làm đẹp...

Giá cổ phiếu Amazon đã tăng gần 80% kể từ đầu năm nay, nhờ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh. Với mức tăng trưởng vượt bậc này, Amazon trở thành doanh nghiệp mạnh nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời mang đến danh hiệu “giàu có hơn bao giờ hết” cho nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bezos. Ngày 26/8, vị CEO của Amazon đã trở thành người đầu tiên trên thế giới có khối tài sản vượt ngưỡng 200 tỷ USD, sau khi giá cổ phiếu của Amazon tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 26/8.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tài sản của người đàn ông giàu nhất thế giới Jeff Bezos hiện tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2020. Tính đến ngày 26/8, giá trị tài sản của vị tỷ phú này đã vượt qua cột mốc chưa từng thấy trong gần bốn thập kỷ Forbes theo dõi giá trị tài sản ròng của những người giàu nhất thế giới.

Tỷ phú Jeff Bezos hiện sở hữu khoảng 11% cổ phần tại Amazon, số cổ phần này chiếm hơn 90% tài sản của ông. Ông cũng sở hữu tờ The Washington Post, công ty hàng không vũ trụ Blue Origin - công ty cạnh tranh với SpaceX của tỷ phú Elon Musk và các khoản đầu tư tư nhân khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục