Tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu

19:58' - 02/02/2023
BNEWS Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Chiều 2/2, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông báo về nội dung cuộc họp Chính phủ với các địa phương diễn ra trong ngày do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, nhất là triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đều thống nhất với dự báo tình hình sắp tới tiếp tục khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nhân lực; đồng thời, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Về kiểm soát lạm phát, chú trọng nhóm hàng hóa có tác động lớn đến lạm phát như: lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu năm; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngay trong tháng 2/2023.

Khẩn trương hoàn thiện, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ những dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ, các ý kiến thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu thế tích cực, đạt nhiều kết quả trong bối cảnh số ngày làm việc tháng 1/2023 chỉ bằng 2/3 so với tháng trước và cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm như thu ngân sách nhà nước tháng 1 tăng 12,3% so với dự toán và 8,1% so với cùng kỳ; xuất siêu 3,6 tỷ USD; thị trường tiền tệ, ngân hàng ổn định, sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất tuy còn khó khăn nhưng giảm dần.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng, được mùa, được giá. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ sôi động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so năm 2022 và tăng 34,2% so với năm 2019. Có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký mới gấp 3,1 lần, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục