Tập trung viện trợ cho những nước có thể tránh được khủng hoảng ô nhiễm không khí

12:24' - 07/09/2021
BNEWS Chi tiêu của chính phủ các nước duy trì các dự án nhiên liệu hoá thạch trong năm 2019 và 2020 nhiều hơn 1/5 so với viện trợ cho các dự án làm sạch không khí.

Theo một báo cáo thường niên của Clean Air Fund - quỹ từ thiện ứng phó ô nhiễm không khí trên toàn thế giới - công bố ngày 7/9, kinh phí cho các dự án nhiên liệu hoá thạch trên thế giới nhiều hơn kinh phí cho các dự án làm sạch không khí, mặc dù ô nhiễm không khí làm giảm nhiều năm tuổi thọ của con người.

Giám đốc điều hành Clean Air Fund, Jane Burston cho biết chỉ có chưa đến 1% chi tiêu phát triển của các nước và dưới 0,1% tài trợ của các chính phủ và các tổ chức từ thiện trên toàn thế giới chi cho các dự án làm sạch không khí. Bà nhấn mạnh, mức tài trợ này không tương xứng những hậu quả mà ô nhiễm không khí gây ra.

Theo báo cáo, chi tiêu của chính phủ các nước duy trì các dự án nhiên liệu hoá thạch trong năm 2019 và 2020 nhiều hơn 1/5 so với viện trợ cho các dự án làm sạch không khí.

Ngoài ra, báo cáo cho biết các nước ở châu Á đã nhận 80% viện trợ phát triển để chống ô nhiễm không khí trong giai đoạn từ năm 2015-2020, trong đó Trung Quốc là nước nhận nhiều nhất (45%) trong bối cảnh chính phủ nước này “tuyên chiến với ô nhiễm” sau khi chất lượng không khí ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp nguy hiểm trong năm 2013.

Tuy nhiên, bà Burston cho rằng cần tập trung viện trợ thêm cho những nước vẫn có khả năng tránh được khủng hoảng ô nhiễm không khí.

Bà Burston nói: “Một sự phân phối công bằng hơn có lẽ là viện trợ thêm cho những nước đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là ở châu Phi, nơi ô nhiễm không khí đang ngày một tăng”.

Theo báo cáo trên, hiện nay, chỉ khoảng 5% viện trợ trên thế giới dành cho châu Phi trong nỗ lực chống ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong do ô nhiễm không khí tại lục địa này đã tăng 31% trong 10 năm qua.

Ngoài ra, báo cáo cũng kêu gọi viện trợ cho các lĩnh vực khác như thu thập thông tin ở những quốc gia thiếu kinh phí cho hoạt động nghiên cứu liên quan vấn đề này, cũng như cho các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí.

Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất trên thế giới, khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm. Hoạt động đốt nhiên liệu hoá thạch là nguyên nhân trực tiếp gây ra 2/3 ô nhiễm không khí, trong đó người dân ở những nước thu nhập thấp và trung bình bị phơi nhiễm nhiều nhất.

Theo LHQ, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến ít nhất 7 triệu người tử vong mỗi năm và cứ 10 người thì có tới 9 người hít thở bầu không khí mà theo LHQ đánh giá là có hại cho sức khoẻ.

Trong khi đó, báo cáo thường niên về chỉ số chất lượng không khí (AQLI) do Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago (Mỹ) công bố tuần trước cho thấy Ấn Độ là quốc gia ô nhiễm nhất với 1/3 dân số nước này có nguy cơ giảm tới 9 năm tuổi thọ.

Báo cáo cho rằng nếu chất lượng không khí được cải thiện theo tiêu chuẩn của WHO sẽ giúp tăng tuổi thọ trung bình thêm 2,2 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục