Tây Ban Nha và Italy kỳ vọng vào Quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro của EU

07:06' - 22/07/2020
BNEWS Tây Ban Nha sẽ nhận được 140 tỷ euro (160,17 tỷ USD) từ Quỹ phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) sau khi các lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua gói hỗ trợ kinh tế này.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 21/7 cho biết Tây Ban Nha sẽ nhận được 140 tỷ euro (160,17 tỷ USD) từ Quỹ phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) sau khi các lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua gói hỗ trợ kinh tế nói trên sau 4 ngày đàm phán căng thẳng.

Tây Ban Nha sẽ nhận hơn 50% số tiền trên, tương đương 72,7 tỷ euro, dưới hình thức viện trợ, trong khi phần còn lại là tín dụng. Theo ông Sanchez, “đây là một thỏa thuận to lớn đối với châu Âu cũng như Tây Ban Nha và châu Âu đã thiết lập cơ sở cho hành động phản ứng với cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà không đánh mất tầm nhìn về tương lai”.

Ông Sanchez cho biết Tây Ban Nha sẽ sử dụng số tiền trên để khuyến khích đầu tư vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế nước này, quá trình chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng “xanh” hơn và lĩnh vực giáo dục trong nước.

Cũng trong ngày 21/7, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định nước này có trách nhiệm lớn với gói giải cứu 209 tỷ euro và sẽ thay đổi diện mạo đất nước. Tuyên bố được Thủ tướng Conte đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận lịch sử về Quỹ phục hồi kinh tế và Ngân sách của EU giai đoạn 2021-2027.

Thủ tướng Giuseppe Conte cho rằng đây là "thời khắc lịch sử của Italy và châu Âu", thỏa thuận được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh là kế hoạch phục hồi đầy tham vọng và phù hợp với cuộc khủng hoảng mà EU đang đối mặt.

Kết quả của Hội nghị cũng là một thành công lớn của chính phủ Italy, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, mang lại 209 tỷ euro cho Italy (gồm 82 tỷ euro tiền hỗ trợ và khoản vay 127 tỷ euro).

Trong khi đó, nhiều quan chức đánh giá EU đã đạt thỏa thuận lịch sử, đặc biệt khi đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước EU gặp mặt trực tiếp trong vòng 5 tháng kể từ đầu đại dịch COVID-19.

Tìm được đồng thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro được coi là thách thức sống còn với 27 nước EU, khi nhiều quốc gia EU đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận.

Sáng 21/7 lãnh đạo 27 nước EU đã đạt được thỏa thuận về Quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro  (tương đương 860 tỷ USD) trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, sau 4 ngày đêm thương lượng đầy khó khăn. Kết quả của hội nghị này được cho là mang ý nghĩa biểu tượng, phần nào chứng tỏ các nhà lãnh đạo  EU đã cùng nhau nỗ lực hết sức nhằm đối phó với tình thế vô cùng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trên thực tế thì EU vẫn đang hứng chịu những dư âm của một thập niên đầy biến động, từ cuộc khủng hoảng nợ tại các nước Nam Âu, bất ổn của nền kinh tế Eurozone, làn sóng người tị nạn và cú sốc gây ra do việc nước Anh rời khỏi "mái nhà chung".

Bất luận còn rất nhiều khác biệt và mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên EU trong những quyết sách về ngân sách dài hạn và quỹ phục hồi, ở một mức độ nào đó, EU đã thể hiện tinh thần trách nhiệm khi mà quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 được coi như một bài toán trắc nghiệm cho sự đoàn kết của EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục