Tây Nguyên khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc

07:36' - 26/04/2017
BNEWS Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên ngày càng mở rộng diện tích cây ngô lai và xem đây là cây xóa đói giảm nghèo nhanh tại các vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo.
Tây Nguyên khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Hàng năm, các tỉnh Tây Nguyên gieo trồng trên 236.000 ha ngô lai, với sản lượng đạt từ 1,3 triệu tấn hạt trở lên, chiếm 25% sản lượng ngô hạt của cả nước.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích cây ngô lai nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên, với trên 112.358 ha, sản lượng ngô hạt mỗi năm đạt từ 610.000 tấn trở lên.

Tuy nhiên, đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy, các tỉnh Tây Nguyên tuy có sản lượng ngô nhiều nhưng chủ yếu xuất bán vẫn là ngô hạt nên giá trị gia tăng thấp, thường xuyên lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá, mất mùa được giá”.

Do vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt hơn nữa liên kết “giữa 4 nhà”.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, góp phần nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm cây ngô lai trên địa bàn.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng đất nương rẫy, địa bàn không chủ động được nguồn nước đưa vào gieo trồng ngô lai. Các tỉnh đưa cây ngô lai vào gieo trồng trong 3 vụ: Đông - Xuân, Hè – Thu và Thu Đông.

Trong đó, diện tích cây ngô lai vụ Hè Thu là chủ yếu, đồng thời, vận động đồng bào các dân tộc tận dụng các vườn cao su, cà phê mới trồng chưa khép tán để trồng xen cây ngô lai.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên khuyến khích, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc vay vốn đầu tư phát triển cây ngô lai.

Riêng đối với các hộ đồng bào dân tộc nghèo, gia đình chính sách bị thiên tai còn được hỗ trợ ngô giống để mở rộng diện tích, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo.

Phát triển cây ngô lai, hàng trăm nghìn đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn nông thôn của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng mỗi vụ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhờ đầu tư phát triển cây ngô lai đã nhanh chóng thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị H’Hồng Niê ở xã vùng sâu Ea Kiết, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) trước đây thuộc diện hộ nghèo được đồng bào các dân tộc trong xã cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước về cây, con giống, trong đó có giống ngô lai CP888. Chị H’Hồng Niê đã gieo trồng cây ngô lai xen trong vườn cà phê đang kiến thiết cơ bản, mỗi năm thu nhập thêm gần 20 triệu đồng.

Sau 2 năm từ gieo trồng từ cây ngô lai, phát triển chăn nuôi lợn, gà nay gia đình chị H’Hồng Niê đã thoát nghèo, cuộc sống có “của ăn, của để”.

Ngoài việc đưa vào trồng đại trà các giống ngô lai như LVN66, CP888, 30Y, NK7328, N67…, các tỉnh Tây Nguyên còn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh đồng bộ cây ngô lai ngay từ đầu vụ cho đồng bào như làm đất, bón lót, mật độ, khoảng cách tùy theo từng loại giống ngô, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vun gốc…để đạt năng suất cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục