Tây Nguyên: Rừng giao khoán cho cộng đồng vẫn bị phá, lấn chiếm trái phép

16:36' - 24/08/2016
BNEWS Việc phá rừng trái phép tại Tây Nguyên không chỉ diễn ra với người không được giao khoán nhận rừng mà chính những gia đình, nhóm hộ nhận khoán rừng cũng tự ý phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất.
 Gỗ được cắt khúc nằm la liệt ở đường tuần tra . Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, tỉnh đã giao khoán gần 36.056 ha rừng, đất rừng cho 5.026 gia đình, cộng đồng các thôn, buôn, nhóm hộ quản lý, bảo vệ, trong đó diện tích có rừng là 26.984 ha, còn lại là diện tích không có rừng.

Diện tích rừng, đất rừng này chủ yếu giao khoán cho đồng bào các dân tộc ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar, Cư M’gar, Krông Ana... Thế nhưng, qua kiểm tra, đã có trên 10.610 ha rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép ở nhiều khu vực.

Việc phá rừng trái phép không chỉ diễn ra với người không được giao khoán nhận rừng mà ngay chính những gia đình, nhóm hộ nhận khoán rừng cũng tự ý phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất.

Huyện Ea Súp đã giao 4.000 ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê, Ia T’mốt nhưng qua kiểm tra đã có trên 2.000 ha rừng bị các nhóm hộ nhận khoán rừng phá trắng.

Nghiêm trọng nhất là tại xã Ea Bung có 13 nhóm hộ được giao khoán rừng với tổng diện tích 1.735 ha qua kiểm tra đã có 1.264 ha rừng bị chặt phá trắng chuyển sang sản xuất nông nghiệp.

Huyện Buôn Đôn giao khoán 1.000 ha rừng thuộc các tiểu khu 478, 480, 481 cho 50 hộ gia đình của 7 buôn tại 2 xã Ea Huar, Krông Na quản lý, bảo vệ nhưng hiện nay, hầu hết diện tích rừng này đã bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép chuyển đất sang sản xuất nông nghiệp…

Nguyên nhân chủ yếu là do rừng giao khoán cho các gia đình, nhóm hộ là rừng nghèo đã khai thác cạn kiệt, không còn trữ lượng gỗ, địa hình phức tạp, đồi núi đá, việc hưởng lợi từ rừng bước đầu hầu như không có gì.

Lợi ích kinh tế mang lại cho người nhận rừng chỉ có 2% giá trị gỗ khi đến chu kỳ khai thác nhưng để có được thì người dân phải đợi ít nhất từ 10 đến 20 năm sau nên người nhận rừng không thiết tha trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhận khoán.

Trong khi đó, các hộ nhận khoán rừng chủ yếu là hộ nghèo, không đủ năng lực để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Các địa phương thiếu sự quan tâm trong việc thành lập các tổ, đội để hỗ trợ người dân trong công tác quản lý diện tích rừng được giao…

UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, nhà nước sớm nghiên cứu, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho các lực lượng tham gia bảo vệ, phát triển rừng, trong đó có các nhóm hộ, gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.

Thực hiện tốt công tác lồng ghép các chương trình đầu tư, phát triển nông, lâm kết hợp, trồng cây dược liệu, các loại cây lâm sản có giá trị dưới tán rừng kết hợp với phát triển du lịch để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rừng góp phần tăng thu nhập bền vững cho người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục