Tây Ninh giải ngân gần 962 tỷ đồng đối với người nghèo, đối tượng chính sách

19:54' - 13/09/2022
BNEWS Tính đến ngày 31/7/2022, kết quả thực hiện cho vay 15 chương trình vốn vay ưu đãi từ 2002 của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đạt gần 8.021 tỷ đồng, với 479.595 lượt hộ vay vốn.

Ngày 13/9, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh Đào Anh Tuấn cho biết, tính đến ngày 31/7/2022, kết quả thực hiện cho vay 15 chương trình vốn vay ưu đãi từ 2002 của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đạt gần 8.021 tỷ đồng, với 479.595 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ gần 4.877 tỷ đồng, bằng 60,8% doanh số cho vay; tổng dư nợ gần 3.219 tỷ đồng, tăng 31,8 lần so với số vốn ngày đầu thành lập, với 110.532 hộ đang còn dư nợ.

Trong đó, cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ với doanh số cho vay đạt gần 962 tỷ đồng, với 89.484 lượt khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt trên 941 tỷ đồng, tổng dư nợ là 78 tỷ đồng, với 2.711 hộ đang còn dư nợ.

Theo kết quả điều tra, dân số Tây Ninh hiện có 1.156.052 người, với 320.018 hộ dân; trong đó hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đầu năm 2022 là 5.841 hộ, chiếm tỷ lệ 1,83% tổng số hộ dân.

Trong những năm qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn.

Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ từ khi ban hành đã tạo điều kiện cho người dân nghèo, các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các cấp uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tiếp tục quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng, xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, khắc phục tình trạng nợ xấu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cũng yêu cầu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn, hiệu quả, tránh việc trục lợi chính sách; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các chính sách phù hợp với tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục