Tết Trung thu 2016: Phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm

13:50' - 12/09/2016
BNEWS Trên thị trường vẫn còn tồn tại các sản phẩm bánh Trung thu giá rẻ, được sản xuất tại các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Nhiều sản phẩm bánh Trung thu được sản xuất tại các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: TTXVN

Để đảm bảo cho nhân dân cả nước, đặc biệt là trẻ em đón một mùa Trung thu vui vẻ, đầm ấm và an toàn, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã và đang tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Qua đó, phát hiện nhiều cơ sở có dấu hiệu vi phạm, các đoàn kiểm tra đã có hình thức xử phạt nghiêm minh, đồng thời hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn hàng tốt, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp này.

Phát hiện, xử lý nhiều vi phạm

Trước Tết Trung thu một tháng, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Vĩnh Long, Lào Cai và Lai Châu.

Qua thanh tra, kiểm tra liên ngành, các đoàn đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm về hóa đơn, chứng từ nguồn gốc nguyên liệu; người chế biến không đeo găng tay, khẩu trang; khu vực đóng gói không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Điển hình là đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu tiến hành kiểm tra đột xuất tại làng nghề xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Tại đây, đoàn đã phát hiện cơ sở sản xuất bánh trung thu Ngọc Khánh không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu. Còn tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Tân Hoàng Gia, đoàn cũng phát hiện các nhân viên đóng bánh không mặc đồng phục, không đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay...

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội cũng phát hiện cơ sở sản xuất bánh trung thu Hoàng Anh, địa chỉ ngõ 103 đường Trường Chinh (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) phạm lỗi trong quy trình sản xuất bánh.

Công nhân tại đây không mang đầy đủ trang thiết bị bảo hộ theo quy định, khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, nguyên liệu làm bánh Trung thu được đặt trực tiếp xuống nền nhà, đặc biệt một số hộp bánh dán nhãn mác sai quy định…

Sở Y tế Hà Nội kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn thành phố. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Trước tình trạng trên, các đoàn đã yêu cầu cơ sở khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời xử lý theo quy định. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Sở Công thương, Chi cục quản lý thị trường lập danh sách các cơ sở, các hộ kinh doanh sản xuất bánh kẹo trên địa bàn thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra tổng thể, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để giải quyết được vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và trong mùa trung thu nói riêng, bên cạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa phải có kiểm tra, giám sát, đưa ra biện pháp mạnh để xử lý nếu các cơ sở không chấp hành.

Qua các trường hợp trên cho thấy, việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh Trung thu còn kém. Ngoài ra, trên thị trường vẫn còn tồn tại các sản phẩm giá rẻ, được sản xuất tại các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cẩn thận chọn lựa bánh Trung thu

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra lời khuyên, giúp người tiêu dùng lựa chọn được những chiếc bánh Trung thu ngon, đảm bảo dinh dưỡng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo đó, người dân khi mua bánh nên xem kĩ hạn sử dụng, bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Người tiêu dùng phải rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh. Nếu ăn không hết ngay cần bọc gói kỹ, bảo quản trong tủ lạnh.

Người dân chọn mua bánh Trung thu. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Đặc biệt, không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi phát hiện những bất thường về sức khỏe do ăn uống, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.

Theo Cục An toàn thực phẩm, bánh Trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị rời.

Người dân nên mua bánh ở các cơ sở có tên tuổi, có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh, có đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.

Nếu bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Người tiêu dùng dứt khoát không nên mua, không sử dụng bánh không nhãn mác...

>>> Thị trường bánh Trung thu: Nhiều khuyến mãi sớm kích cầu tiêu dùng

>>> Thị trường Trung thu 2016: Sản phẩm lồng đèn xem nhiều hơn mua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục