Thách thức đối với nỗ lực “xoay trục” đất hiếm khỏi Trung Quốc của phương Tây

05:00' - 24/08/2020
BNEWS Mỹ và Australia đã khởi động một dự án đầy tham vọng nhằm tạo ra chuỗi cung ứng cho kim loại đất hiếm mà không có sự tham gia của Trung Quốc.

Giới quan sát đánh giá nỗ lực này thu hút sự quan tâm của thị trường nhưng có thể gặp phải trở ngại về chi phí.

Công ty khai thác đất hiếm Australia Lynas vừa thông báo về việc ký kết hợp đồng Giai đoạn một với Bộ Quốc phòng Mỹ để xây dựng một cơ sở xử lý đất hiếm ở bang Texas.

Trong một tuyên bố cuối tháng Bảy vừa qua, Giám đốc điều hành của Lynas, Amanda Lacaze bày tỏ sự vui mừng về hợp đồng với Lầu Năm Góc để khởi động Giai đoạn một này, đồng thời cam kết sẽ cung cấp cơ sở vật chất "kịp thời và ít rủi ro."

Lynas và đối tác của Mỹ Blue Line sẽ xây dựng một cơ sở xử lý các loại đất hiếm nặng như dysprosium, được sử dụng trong nam châm. Công ty cho biết, nguồn tài trợ từ Bộ Quốc phòng sẽ dành cho việc nghiên cứu về chiến lược và thị trường cùng với việc lập kế hoạch và thiết kế chi tiết cơ sở này.

Kotaro Shimizu, nhà phân tích cấp cao của Mitsubishi UFJ, cho biết điều quan trọng là có thể có một cơ sở sản xuất đất hiếm nặng bên ngoài Trung Quốc. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, được phân thành các loại nặng và nhẹ theo trọng lượng nguyên tử.

Nguồn cung cấp đất hiếm nặng đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia có thị phần được cho là đạt 90%. Các nhà sản xuất Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh lớn về công nghệ tách và tinh chế, cũng như chi phí sản xuất.

Theo chuyên gia Shimizu, một dự án đất hiếm nặng đã khởi công ở Pháp sau đó bị bỏ dở vì các vấn đề về chi phí. Nhà máy của Lynas ở Texas dự kiến là dự án duy nhất thuộc loại này không được tài trợ bằng vốn đầu tư của Trung Quốc.

Các nam châm hiệu suất cao thường được sử dụng trong động cơ xe quân sự. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng ý thức được về nghịch lý này và đã có những bước chuẩn bị đề phòng Bắc Kinh cắt nguồn cung cấp "nguyên liệu của thế kỷ 21" như nhận định của nhà báo Guillaume Pitron, tác giả cuốn sách có tiêu đề "Chiến tranh kim loại hiếm".

Mỹ đã có những bước đi quan trọng nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nhà cung cấp gần như độc quyền của thế giới, đó là Trung Quốc. Hãng tin Reuters tiết lộ hồi tháng 4/2020, Lầu Năm Góc quyết định tài trợ trở lại cho hai dự án khai thác đất hiếm nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự của Mỹ.

Hai dự án đó liên quan đến các mỏ đất hiếm tại Texas và California. Mỏ thứ nhất do tập đoàn Australia Lynas cùng khai thác với một đối tác Mỹ và mỏ thứ hai do tập đoàn MP Materials quản lý. Ngoài ra, vẫn theo hãng tin Reuters, Chính phủ Mỹ sắp thông báo hỗ trợ cho MP trong một dự án thứ ba tại bang Nevada.

Trong giai đoạn từ năm 2004-2017 có đến 80% kim loại hiếm Mỹ mua vào có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Trung tâm địa chất Mỹ, Trung Quốc kiểm soát 40% các mỏ dự trữ kim loại hiếm của thế giới.

Năm 2018, Trung Quốc là nguồn cung cấp 70% đất hiếm tiêu thụ trên toàn cầu và cho đến hiện tại 90% đất hiếm được khai thác từ các khắp nơi trên thế giới đều phải nhờ đến Trung Quốc sàng lọc, để từ "đất" trở thành "kim loại" và có thể cung cấp cho các tập đoàn công nghiệp. 

Vì lợi ích an ninh quốc gia, Lầu Năm Góc tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng đất hiếm mà không phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát trên thị trường tin rằng việc xoay trục khỏi Trung Quốc sẽ là việc “nói dễ hơn làm”.

Việc khai thác đất hiếm phải có một dây chuyền công nghiệp và đòi hỏi công nghệ đặc biệt. Vậy tới nay, Mỹ đã làm được những gì để giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc?

Nhà báo Guillaume Pitron nói: "Hiện tại, Mỹ đã mua lại tập đoàn Hitachi của Nhật Bản, một vài công ty Mỹ làm chủ được công nghệ này, nhưng chỉ sản xuất ở mức độ nhỏ, không đủ để bảo đảm nhu cầu trên toàn quốc.

Năm 2010, Viện Kiểm toán Nhà nước của Mỹ trong một báo cáo thẩm định rằng sẽ mất 15 năm để khởi động lại toàn bộ ngành khai thác đất hiếm và chế tạo kim loại hiếm. Cần một quãng thời gian dài như vậy do ở đây liên quan đến ít nhất là 5 hay 6 lĩnh vực công nghiệp khác nhau, với những kỹ thuật rất khác biệt.

Vì vậy, có thể nói Mỹ cần giảm mức độ lệ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc là một chuyện, làm được việc đó hay không lại là chuyện khác. Tương tự như vậy, khai thác mỏ đất hiếm là một chuyện, làm chủ được toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất kim loại hiếm lại là chuyện khác".

Để tự chủ đất hiếm, Mỹ sẽ phải quản lý tất cả, từ khâu khai thác các quặng mỏ, sàng lọc để có được kim loại hiếm, rồi biến các kim loại hiếm này thành nam châm để có thể phục vụ cho các công nghệ cao.

Nghị sĩ bang Florida Marco Rubio và Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz đã vận động để cho ra đời một đạo luật cho phép khởi động lại các mỏ đất hiếm ở Mỹ.

Kế đến, các tập đoàn công nghiệp đã nhập cuộc để khai thác mỏ đất hiếm ở bang Texas. Tuy nhiên, khâu tiếp theo là sàng lọc để chắt ra được các kim loại hiếm và sau đó đưa vào các khâu sản xuất. Tất cả những giai đoạn này đòi hỏi rất nhiều thời gian, có thể là nhiều năm.

Giới quan sát còn chỉ ra thực tế là quặng từ các mỏ thuộc sở hữu của Lynas được cho là có hàm lượng đất hiếm thấp hơn so với các quặng của Trung Quốc. Vì vậy, công ty phải khai thác nhiều khoáng sản hơn để chiết xuất và phân tách các kim loại cụ thể, như dysprosium, việc này sẽ làm chi phí tăng cao.

Các nhà giao dịch trên thị trường hàng hóa đã ví việc khai thác kim loại đất hiếm nặng giống như việc mua cả một con bò chỉ để lấy thịt thăn. Giá đất hiếm nhẹ neodymium có giá giao ngay vào khoảng 55,20 USD/kg trong tháng Bảy, còn đất hiếm nặng dysprosium thì có mức giá 344,40 USD/kg.

Các nguồn cung mới của phương Tây có thể gây áp lực giảm giá, nhưng liệu hoạt động sản xuất có diễn ra suôn sẻ hay không vẫn chưa rõ ràng. Thị trường đất hiếm đang theo dõi chặt chẽ cuộc đối đầu ngày càng tăng của liên minh Mỹ-Australia với Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục