Thách thức lớn với thị trường lao động từ cuộc cách mạng 4.0

12:05' - 31/10/2018
BNEWS Việt Nam có nền kinh tế có độ mở cao nhưng lao động chất lượng còn ít khi có gần 77% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức lớn với thị trường lao động. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Ngày 31/10, tại Hà Nội, Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức Diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo các diễn giả, bên cạnh những tác động tích cực, cuộc cách mạng công nghệp 4.0 đang đặt ra những thách thức đối với lao động Việt Nam. Đó là vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng trong trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh, dẫn đến việc nới rộng khoảng cách giàu nghèo nếu Việt Nam không tận dụng được những cơ hội tốt mà cuộc cách mạng này tạo ra.

Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến những cơ hội và cả thách thức đối với Việt Nam; trong đó, cuộc cách mạng này cũng có thể là nguy cơ tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ tiến trình bình thường của thị trường lao động.

Các chuyên gia cảnh báo, khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư dừa và điều đó có thể làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Khoảng cách công nghệ và tri thức cũng nới rộng hơn, dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều việc làm có thể được tự động hóa và mất đi. Thay vào đó là các loạt việc làm mới ra đời.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới thì 64% trẻ em đang đi học hiện nay, khi ra trường sẽ làm các loại việc làm chưa từng xuất hiện. Điều này có nghĩa là thị trường lao động sẽ thay đổi, cung cầu cũng thay đổi.

Cung lao động tại Việt Nam chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giá rẻ. Hiện nay mới chỉ hơn 20% lao động tại Việt Nam được đào tạo cơ bản.

Hơn nữa, trong số hơn 20% lao động được đào tạo cơ bản này vẫn còn những bất cập. Theo đó, cơ cấu đào tạo cũng không hợp lý gây ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ, lực lượng công nhân kỹ thuật bậc cao cũng rất khan hiếm.

Theo ông Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao nhưng tỷ lệ lao động chất lượng còn thấp, khi có gần 77% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Ông Thuật cho rằng, đây là nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội và không dễ khai thông “trong một sớm một chiều” bởi lực lượng lao động giản đơn vẫn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt thập kỷ qua.

Để giải quyết những tồn tại, bất cập của thị trường lao động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thị trường lao động Việt Nam cần tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa với hệ thống; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động phải từng bước hoàn thiện; nâng cao chất lượng nguồn cung lao động, khắc phục ngay tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động trình độ kỹ thuật cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới… ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục