Thách thức mới từ vấn đề lạm phát

06:30' - 09/02/2022
BNEWS Chỉ bằng cách xác định rõ nguyên nhân thực sự của tình trạng lạm phát hiện nay, chúng ta mới có thể xác định chính xác các giải pháp hạ nhiệt lạm phát.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tạp chí Eurasia Review, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã dẫn đến tình trạng lạm phát cao. Giải quyết các vấn đề liên quan đến lạm phát cao đòi hỏi phải hiểu được những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Đó là sự gia tăng nhu cầu, sụt giảm nguồn cung hoặc sự kết hợp của hai điều này.

Trên thực tế, chúng ta đang đối phó với sự kết hợp giữa nhu cầu tăng và cung giảm, trong đó yếu tố thứ hai đóng vai trò chủ đạo. Một số nhu cầu tăng lên là do việc chính phủ cấp tiền mặt trực tiếp cho những người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Nguồn cung giảm đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong việc gia tăng lạm phát. Nguyên nhân của sự sụt giảm nguồn cung là do gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do hậu quả của việc đóng cửa một số lĩnh vực của nền kinh tế nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh.

Vào giữa năm 2021, có một quan niệm sai lầm cho rằng sẽ có sự tắc nghẽn nguồn cung ngắn hạn nhưng rõ ràng vào mùa Thu năm ngoái, các nước đã phải đối mặt với sự sụp đổ thực sự của hệ  thống sản xuất toàn cầu. Sự xuất hiện của một thuật ngữ mới là “lạm phát chuỗi cung ứng” cũng minh chứng cho tầm quan trọng của hiện tượng lạm phát gia tăng do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Rõ ràng, quá trình phi toàn cầu hóa do hậu quả của việc đóng cửa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế toàn cầu là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát chuỗi cung ứng.

Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu làm gián đoạn chu kỳ sản xuất công nghệ toàn cầu, dẫn đến giảm mức sản xuất. Do đó, về bản chất, lạm phát chuỗi cung ứng là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát do sản xuất dưới mức.

Do đó, lạm phát do cuộc khủng hoảng kinh tế của đại dịch COVID-19 gây ra về cơ bản là lạm phát do sản xuất dưới mức. Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng trung ương có khả năng giải quyết vấn đề lạm phát chuỗi cung ứng hay không.

Rõ ràng, câu trả lời cho vấn đề này là không, vì các ngân hàng trung ương không có công cụ để tăng sản lượng bằng cách cải tiến chuỗi cung ứng cũ hoặc thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Nói cách khác, vấn đề lạm phát chuỗi cung ứng không phải là một công cụ.

Thực chất sai lầm chính của các ngân hàng trung ương là họ đã không hiểu nguyên nhân kinh tế của tình trạng lạm phát cao và coi đó là một vấn đề kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, như đã nói, lạm phát chuỗi cung ứng là điều hiển nhiên.

Trên cơ sở nhận thức lạm phát là một vấn đề kinh tế vĩ mô, các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất nhằm hạn chế nhu cầu. Nhưng khi làm như vậy, các ngân hàng trung ương làm cho các khoản vay đắt hơn, điều này sẽ làm giảm sản lượng và kết quả là hạn chế nguồn cung.

Thật không may, khi đưa ra một quyết định phi lý như vậy, các ngân hàng trung ương đã tỏ ra bối rối. Giải pháp cho vấn đề lạm phát chuỗi cung ứng hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đang hoạt động tốt, mà cần được xây dựng trên cơ sở bối cảnh toàn cầu hóa đổi mới trong thời kỳ hậu đại dịch.

Dựa trên nguyên tắc hiệu quả kinh tế, việc tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu mới phải tính đến những rủi ro không chỉ liên quan đến đại dịch COVID-19 mà cả sự xuất hiện của các mối đe dọa toàn cầu mới.

Hoàn toàn không loại trừ rằng một số hoạt động sản xuất sẽ được chuyển đến những quốc gia và khu vực mà ở đó chi phí sản xuất sẽ tăng lên đáng kể. Kết quả là, việc giải quyết vấn đề lạm phát chuỗi cung ứng sẽ dẫn đến sự gia tăng lạm phát mới mà các nhà kinh tế học gọi là lạm phát do chi phí tăng lên.

Bản chất của lạm phát do chi phí tăng lên là, do chi phí sản xuất tăng, các công ty sẽ có động cơ tăng giá để duy trì lợi nhuận. Nếu thị trường không chấp nhận mức giá tăng này, thì doanh nghiệp sẽ ngừng kinh doanh.

Khi đó, sản lượng giảm sẽ dẫn đến nguồn cung cũng giảm và tất nhiên giá cũng sẽ cao hơn. Do đó, lạm phát do chi phí tăng lên là một nguyên nhân khác của lạm phát do sản xuất dưới mức gây ra.

Với những thực tế nêu trên, không có gì ngạc nhiên khi chủ đề kinh tế chính của thế giới sau đại dịch COVID-19 sẽ là tăng trưởng kinh tế, mở rộng nguồn cung và tăng năng suất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục