Thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công

13:22' - 20/09/2018
BNEWS Hiện có 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công Việt Nam. Dù đạt được tỷ lệ huy động ngân sách tốt nhưng chưa thực sự bền vững,
Thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Còn nhiều khó khăn trong tái cấu trúc nền tài chính là nhận định được Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đưa ra tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam” do Bộ Tài chính cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – USAID tổ chức ngày 20/9, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện có 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công Việt Nam. Trong đó, thách thức lớn nhất là dù đạt được tỷ lệ huy động ngân sách tốt nhưng chưa thực sự bền vững, một bộ phận nguồn thu địa phương còn phụ thuộc vào bán tài sản công, bán quyền sử dụng đất. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại vẫn còn là nguy cơ lớn. Trong năm 2017, cơ quan thuế qua kiểm tra, đã tăng thu thêm 300 triệu USD và quan trọng là việc giảm lỗ 2,2 tỷ USD, cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ hai là cơ cấu về ngân sách chưa có chuyển biến, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công và ngân sách nhà nước còn là vấn đề lớn. Việc chi đầu tư công, chi thường xuyên còn thách thức, tỷ lệ nghèo đến nay 6,7%, so với mục tiêu 2020 là 4% thì còn là thách thức lớn, nhất là những vùng đói nghèo, dân tộc ít người...

Thứ ba là hiệu quả, hiệu lực quản lý, quản trị vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công của quốc gia cũng còn nhiều vấn đề.

Thứ tư, mặc dù nợ công hiện khoảng 61,3%, nợ nước ngoài 49,7%, nhưng rủi ro về tỷ giá, trả nợ dự phòng, bảo lãnh nhà nước với khu vực doanh nghiệp tiếp tục là những thách thức lớn trong các năm tới.

Thứ năm là thị trường tài chính, xây dựng thể chế, để giải quyết vấn đề thách thức lớn nhất là chi phí vốn cho khu vực doanh nghiệp. Cuối cùng, mặc dù cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ quan trọng, nhưng Việt Nam vẫn chỉ ở mức dưới trung bình. Vì vậy, thách thức là làm sao tạo thuận lợi thương mại trong hải quan, cơ chế một cửa, cải cách thủ tục phải thực chất hơn nữa.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, bền vững là hết sức cấp thiết. Vì vậy, phải nhận diện được tác động hai chiều giữa tái cấu trúc tài chính công và phát triển toàn diện, từ đó mới có thể có những giải pháp phù hợp.

Theo đánh giá của các đại biểu tại diễn đàn, thời gian qua, nhiều biện pháp đổi mới, quản lý nợ công đã được thực hiện, qua đó, chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Cơ cấu nợ được điều chỉnh hợp lý hơn, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn.

Ngoài ra, để phát triển nhanh thị trường vốn, bảo hiểm từng bước được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng tổ chức kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển nhà đầu tư có tổ chức, qua đó tăng cường huy động vốn, tạo nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng được chú trọng.

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, năm 2018, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Quản lý nợ công năm 2018 và thời gian tới cần tiếp tục bảo đảm kiểm soát các chỉ tiêu bội chi, nợ công. Đồng thời, tăng cường quản lý nợ đồng bộ với quản lý ngân sách, đầu tư công ở trung ương và địa phương.

Theo TS. Takahiro Yamada, Viện Nghiên cứu chính sách, Bộ Tài chính Nhật Bản, bước quan trọng để thực hiện tái cấu trúc nền tài chính là cần nâng cao được hiệu quả sử dụng nợ công, siết chặt tài chính ngân sách nhà nước. Việc thu, chi ngân sách và vốn vay cũng cần công khai, minh bạch hơn. Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả trong sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục