Trái phiếu Chính phủ là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế
Ngày 22/8, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đã có buổi gặp gỡ báo chí về các vấn đề liên quan đến phát triển thị trường vốn và trái phiếu.
Phóng viên: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ gắn với tái cơ cấu nợ công. Xin bà cho biết cụ thể về vấn đề này? Bà Phan Thị Thu Hiền: Trước năm 2015, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp về khung khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, nhưng chúng tôi vẫn phải đối mặt với một số vấn đề lớn như thị trường trái phiếu Chính phủ quy mô nhỏ (năm 2014 là 13,84% GDP), các ngân hàng thương mại nắm giữ đến 79,7% thị phần năm 2014; trái phiếu Chính phủ đa phần phát hành kỳ hạn dưới 5 năm và kỳ hạn bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ có năm chỉ có 2,38 năm (cuối năm 2013), ảnh hưởng đến tính bền vững nợ công. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp tái cơ cấu thị trường gắn với tái cơ cấu nợ công nhằm mục đích kéo dài kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, đa dạng hóa nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ.Tôi cho rằng kết quả đạt được đến nay là khả quan khi kỳ hạn trái phiếu Chính phủ được kéo dài, các sản phẩm trái phiếu phát hành trên thị trường với nhiều loại kỳ hạn, cơ sở nhà đầu tư ngày càng đa dạng.
Cụ thể như sau, cơ sơ nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ có sự thay đổi căn bản theo hướng mở rộng, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại. Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại là 51,1% (giảm mạnh so với mức khoảng 79,7% năm 2014), tương đương với các nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và thấp hơn Trung Quốc (khoảng 68%), Thái Lan (60%); danh mục còn lại do các nhà đầu tư là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Bên cạnh đó, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, thúc đẩy giao dịch trên thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ. Theo đó, bên cạnh sản phẩm trái phiếu truyền thống với lãi suất cố định đã phát triển sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt.Đồng thời, phát hành đa dạng các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm để hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu. Sự đa dạng này giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng mạnh so với mức khoảng 1.000 – 2.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn từ 2011 – 2013. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10,4 nghìn tỷ đồng/phiên.
Đồng thời, chủ động phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, đặc biệt là các kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm để vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư của các quỹ bảo hiểm, vừa giúp kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và tăng tính bền vững nợ công. Căn cứ tình hình thị trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để từng bước tái cơ cấu các loại trái phiếu có lãi suất phát hành cao trong thời gian trước đây, tái cơ cấu các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn thành các loại có kỳ hạn dài hơn thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi trên thị trường. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện thường xuyên các nghiệp vụ này để tiếp tục cải thiện danh mục nợ trái phiếu Chính phủ. Như vậy có thể thấy, trái phiếu Chính phủ ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Việc cơ cấu lại thị trường về cơ sở nhà đầu tư, về kỳ hạn của danh mục nợ thông qua tập trung phát hành các trái phiếu dài hạn từ 5 năm đến 30 năm, sử dụng các nghiệp vụ tái cơ cấu, mua lại, hoán đổi đã làm cho danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nói riêng và danh mục nợ công nói chung ngày càng được cải thiện theo hướng bền vững hơn. Phóng viên: Bà bình luận gì về ý kiến cho rằng cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ tuy đang dần cải thiện, nhưng vẫn chưa đa dạng, phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và các ngân hàng tập trung vào mua trái phiếu Chính phủ thì họ sẽ không muốn cho vay đối với doanh nghiệp? Bà Phan Thị Thu Hiền: Về cơ cấu nhà đầu tư, thời gian qua có sự thay đổi căn bản theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tăng tỷ lệ nắm giữ của bảo hiểm xã hội, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư.Năm 2014, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của ngân hàng thương mại là 79,7%, đến nay đã giảm xuống còn 51,1%. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, chúng tôi còn đẩy mạnh sự tham gia của Bảo hiểm xã hội mua bán trên thị trường trái phiếu Chính phủ theo nguyên tắc thị trường giống như một thành viên thị trường, làm cho thị trường ngày càng đa dạng hơn về hệ thống nhà đầu tư.
Với chủ trương đa dạng hóa hệ thống các nhà đầu tư trên thị trường, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn, tạo cầu bền vững cho thị trường, bao gồm: Quỹ hưu trí tự nguyện; quỹ bảo hiểm liên kết; khuyến khích hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Tiền gửi, nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, có thể nhận thấy rằng thị trường trái phiếu Chính phủ hiện nay không còn lệ thuộc vào các ngân hàng. Về việc ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ, tôi khẳng định việc mua trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại không ảnh hưởng đến đến hoạt động cho vay của các ngân hàng. Bởi ngân hàng thương mại nắm giữ trái phiếu Chính phủ với 2 mục tiêu: mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời cũng như mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các ngân hàng thương mại luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.Như vậy, việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại vừa đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh vừa tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi trong phạm vi an toàn của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ cũng là công cụ hỗ trợ để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ như thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn.
Thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP. Phóng viên: Bà vừa đề cập thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua có sự phát triển mạnh mẽ. Vậy nếu so với các nước trong khu vực thì Việt Nam đang đứng ở đâu và cần phát triển như thế nào? Bà Phan Thị Thu Hiền: Mặc dù thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam có sự phát triển nhanh trong thời gian qua, nhưng so với tiềm năng của nền kinh tế và các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ.Tính đến tháng 7/2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 29,2% GDP năm 2017.
Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 49,7% GDP); Thái Lan là 73% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 49,8% GDP). Về thanh khoản của thị trường, tính chung 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 15% so với bình quân năm 2017.So với các quốc gia trong khu vực, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ Việt Nam tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên của Thái Lan (khoảng 550 triệu USD/phiên - tương đương 12,6 nghìn tỷ đồng/phiên).
Tuy nhiên vẫn thấp hơn một số quốc gia như: Hàn Quốc và Singapore (giá trị giao dịch bình quân vào khoảng 1,4 tỷ USD/phiên - tương đương khoảng 32 nghìn tỷ đồng/phiên).
Nguyên nhân chủ yếu của việc quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số các quốc gia trong khu vực như trên là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện đang bắt đầu hình thành.Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường thời gian qua.
Trong thời gian tới, cần phát triển các sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thực hiện các giải pháp nhằm tăng thanh khoản trên thị trường, tăng quy mô giao dịch. Theo đó, trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, thí điểm nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn 02 chiều đối với nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp. Đối với phát triển nhà đầu tư, yêu cầu Bảo hiểm xã hội tham gia mua, bán trái phiếu Chính phủ trên thị trường để tiếp tục cơ cấu lại nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu; phát triển cơ sở nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm thu hút nhà đầu tư dài hạn; phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện, các sản phẩm bảo hiểm hữu trí tự nguyện. Phóng viên: Xin cảm ơn bà./.Tin liên quan
-
Chứng khoán
Huy động được hơn 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
10:23' - 16/08/2018
Kể từ đầu năm đến nay, số tiền huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 100.161 tỷ đồng.
-
Tài chính & Ngân hàng
Moody's nâng xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam
19:50' - 13/08/2018
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được đảm bảo lên mức Ba3 từ mức B1.
-
Kinh tế Việt Nam
Quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế
20:29' - 05/07/2018
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính & Ngân hàng
Đồng USD duy trì sát mức cao nhất trong 13 tháng
15:39' - 22/11/2024
Trong phiên 22/11, đồng USD vẫn ở sát mức cao nhất trong 13 tháng khi các nhà đầu tư đánh giá về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
-
Tài chính & Ngân hàng
Thái Lan lên kế hoạch hoãn thanh toán lãi trong 3 năm với các khoản nợ xấu
09:18' - 22/11/2024
Bộ Tài chính Thái Lan đã ấn định ngày cắt hạn cho các khoản nợ xấu là ngày 31/10/2024, để ngăn chặn các tài khoản mới cố tình vỡ nợ nhằm tham gia chiến dịch.
-
Tài chính & Ngân hàng
Bitcoin nối dài đà tăng, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
22:16' - 21/11/2024
Đà tăng của Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi đồng tiền điện tử này đã vượt qua mốc 98.000 USD trong ngày 21/11.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân hàng trung ương Nga có thể giảm lãi suất vào năm 2025
16:10' - 21/11/2024
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina không loại trừ việc giảm dần lãi suất cơ bản vào năm 2025 nếu lạm phát chậm lại và không có cú sốc mới bên ngoài.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo về bong bóng cổ phiếu AI
08:35' - 21/11/2024
Ngày 20/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo rằng bong bóng cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát nổ bất ngờ nếu kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư không được đáp ứng.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tỷ giá euro-yen có thể giảm vào cuối năm 2025?
17:50' - 20/11/2024
Tỷ giá giữa đồng euro và yen đang ngày càng được quan tâm do chính sách khác biệt giữa hai khu vực.
-
Tài chính & Ngân hàng
Cựu quan chức IMF thúc giục các quốc gia kiểm soát nợ
14:10' - 20/11/2024
Ông Raghuram Rajan, người từng là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không thể để nợ công tiếp tục gia tăng.
-
Tài chính & Ngân hàng
WHO huy động được gần 4 tỷ USD thông qua cơ chế tài chính mới
12:05' - 20/11/2024
Ngày 19/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã huy động được gần 4 tỷ USD thông qua một cơ chế mới, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu tài chính của tổ chức này trong 4 năm tới.
-
Tài chính & Ngân hàng
IMF cảnh báo hệ lụy từ chính sách thuế “ăn miếng, trả miếng”
17:50' - 19/11/2024
Chính sách thuế quan đáp trả lẫn nhau có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của châu Á, làm tăng chi phí và gây đứt gãy chuỗi cung ứng,