Thách thức trong tiến trình hội nhập EU của các nước Balkan

06:30' - 02/12/2017
BNEWS Trong bài phân tích trên mạng Globsec.org, chuyên gia Jan Cingel đã nhận định rằng con đường hội nhập Liên minh châu Âu (EU) của các nước khu vực Balkan đầy gập ghềnh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong một cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong Thông điệp Liên minh hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định rằng “cần duy trì chính sách mở rộng” đối với các nước khu vực Balkan

Thông điệp này được các nước ủng hộ tiến trình mở rộng Liên minh trong EU và các nước đối tác khu vực Balkan hoan nghênh. Mặc dù vậy, ông Juncker cũng nhấn mạnh hiện “không có nước ứng cử viên nào trong khu vực sẵn sàng cho việc gia nhập EU”.

Tại khu vực Balkan có 4 nước được tiến cử cho tiến trình mở rộng EU. Serbia và Montenegro đã khởi động tiến trình đàm phán về việc gia nhập với EU, còn Albania được trao quy chế “ứng cử viên” từ năm 2014 và cũng đang chờ để mở các chương đàm phán đầu tiên với EU nếu quá trình cải cách trong nước tiến triển tích cực.

Tại Macedonia, sau các biến động chính trị, gần đây giới quan sát lạc quan rằng chính phủ mới ở nước này sẽ sớm tái khởi động lại tiến trình cải cách nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU. Một trong những rào cản mà Macedonia cần phải vượt qua là việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng Hy Lạp.

Tuy vậy, nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy thỏa thuận với Hy Lạp thì nhiều khả năng tiến trình gia nhập EU của Macedonia sẽ tiếp tục "giậm chân tại chỗ" dù Skopje đã nhận được quy chế ứng cử viên từ năm 2005. 

Ngoài ra, tại khu vực Balkan còn 2 ứng cử viên “tiềm năng” khác là Bosnia &Herzegovina và Kosovo. Hai thành viên này vẫn đang chờ đợi việc được EU công nhận quy chế ứng cử viên.

Tuy nhiên, Sarajevo và Pristina cần phải tiến hành các biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn liên quan của EU.Ngoài ra, hiện nay vẫn còn 5 nước thành viên không công nhận Kosovo là quốc gia độc lập.

Trong 2 năm gần đây, khu vực Balkan ngày càng được chú ý trong chương trình nghị sự của EU. Thậm chí, Cao ủy phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, còn nhấn mạnh đến sự hạn chế của EU trong quan hệ với các nước Balkan, nhất là liên quan đến tiến trình mở rộng Liên minh đối với khu vực này. 

Tổng thống Pháp Emmanual Macron cũng đã công khai phê chuẩn văn kiện “Triển vọng gia nhập EU của các nước Balkan”. Đây là những tín hiệu tích cực từ Ban lãnh đạo và một số nước lớn trong EU nhằm thúc đẩy tham vọng hội nhập của các nước ở khu vực Balkan, đồng thời duy trì các nước này trong vòng ảnh hưởng của Brussels.

Các động thái này cũng nhằm giảm nhẹ tác động từ tuyên bố của ông Juncker hồi năm 2014 rằng trong nhiệm kỳ của mình, EU sẽ không kết nạp thêm bất cứ thành viên nào.

Tuy nhiên, hiệu ứng của các động thái này đối với các nước khu vực Balkan chưa hẳn đã được như tính toán của đội ngũ cố vấn cho ông Juncker. Thậm chí, một số nước trong khu vực còn cho rằng đây thực chất chỉ là chiến thuật “trì hoãn” của EU.

Do đó, thay vì tạo động lực cho các nước Balkan tiếp tục duy trì và thúc đẩy tiến trình hội nhập EU, các động thái này có nguy cơ bị các nước trong khu vực coi là tín hiệu khẳng định họ đã đạt được các tiêu chuẩn mà Brussels đề ra.

Trong thực tế, các nước Balkan còn phải tiến hành nhiều cải cách nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập EU. EU cũng cần giám sát và thúc đẩy tiến trình này ở các nước trong khu vực. Tuy nhiên, việc EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức nội khối khiến Brussels khó có thể theo sát được tiến trình này ở các nước Balkan. 

Thậm chí, EU còn bị dư luận khu vực chỉ trích về việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” bởi chính một số nước, dù đã là thành viên của EU, cũng không tuân thủ nghiêm các quy định của Liên minh.

Các vấn đề nội khối của EU đã và đang tác động tiêu cực đến tiến trình hội nhập của các nước ứng cử viên bởi các nước thành viên có tiếng nói trong EU ngày càng có xu hướng hoài nghi đối với chính sách mở rộng Liên minh, nhất là những hệ lụy có nguy cơ phát sinh từ chính sách này. 

Do đó, việc duy trì chính sách nhất quán đối với việc mở rộng Liên minh với các nước Balkan cũng là một thách thức không nhỏ đối với EU.

Ngoài ra, EU cũng cần phải đảm bảo áp dụng các tiêu chuẩn thống nhất, công bằng liên quan đến tiến trình mở rộng đối với các nước ứng cử viên ở khu vực Balkan.Trong khi đó, các nước khu vực Balkan cũng cần phải vượt qua các thách thức để tiếp tục tiến trình cải cách ở các nước này.

Chủ tịch Juncker từng nhiều lần đề cập đến “một châu Âu dân chủ hơn vào năm 2025”. Điều này có thể được hiểu đây là thời hạn sớm nhất đối với các bước đột phá (nếu có) trong việc triển khai chính sách mở rộng EU theo quan điểm của Ban lãnh đạo EU dưới thời ông Juncker. 

Tuyên bố này khiến dư luận khu vực Balkan, nhất là tại Serbia và Montenegro - 2 nước đi đầu trong đàm phán gia nhập EU - không hài lòng bởi năm 2025 là một thời điểm quá xa và mơ hồ.

Rõ ràng, từ giờ đến thời điểm đó, cả EU lẫn các nước khu vực Balkan còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có việc triển khai chính sách mở rộng của EU đối với khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục