Quan điểm cân bằng quyền lực Mỹ-Nga tại Đông Âu

07:05' - 11/09/2017
BNEWS Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo: "Mặc dù Nga phủ nhận, chúng tôi biết họ đang tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực, làm hại đến chủ quyền và các quốc gia độc lập ở châu Âu".
Quan điểm cân bằng quyền lực Mỹ-Nga tại Đông Âu. Ảnh: Reuters

Trang mạng realcleardefense.com, một trang mạng được Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ xây dựng, đăng bài phân tích về quan điểm xây dựng cấu trúc an ninh cân bằng Mỹ-Nga tại khu vực Đông Âu, của bà Sandra Erwin -phóng viên theo dõi lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng.

Những hoạt động hung hăng của Nga tại Đông Âu, cùng với những nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đã tạo nên một cuộc khủng hoảng về chính sách đối ngoại mà không ai ở Washington hay Brussels có thể có cách giải quyết.

Bởi vậy hãy bắt đầu bàn về quan điểm của chuyên gia Michael O’Hanlon thuộc Viện Nghiên cứu Brookings: Ổn định quy mô Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở mức hiện tại và thành lập một "trục trung lập" gồm các quốc gia từ phía Bắc tới phía Nam châu Âu, bao gồm cả Phần Lan, Thụy Điển; Ukraine, Moldova, Belarus; Gruzia, Armenia, Azerbaijan; Cyprus và Serbia, cũng như các quốc gia Balkan.

Theo ông O’Hanlon, cấu trúc an ninh này có thể thay đổi quan hệ NATO-Nga. Ông cho rằng điều này có thể giúp cải thiện quan hệ giữa phương Tây với Tổng thống Nga Vladimir Putin, giảm căng thẳng và đưa khu vực ra khỏi tình thế sẵn sàng lao vào chiến tranh như hiện nay. 

Ông O’Hanlon nêu quan điểm: "Vấn đề đặt ra là NATO không nên mở rộng sang Đông Âu". Ông cho rằng quan điểm này dường như là một sự đầu hàng với ông Putin, nhưng điều đó cũng có thể coi là giải pháp hai bên cùng thắng.

Ukraine và Gruzia đã được công khai và chính thức hứa hẹn về việc là thành viên NATO nhưng chưa rõ khi nào và như thế nào để họ đạt được điều đó. Ông O’Hanlon nói: "Kết quả là họ không được bảo vệ về mặt chiến lược, họ không được hưởng quyền lợi gì từ Điều 5, trong khi họ lại bị Nga đặt trong tầm ngắm".

Nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại cũng có quan điểm như ông O’Hanlon, cho rằng sự mở rộng NATO quá nhanh chóng đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng Mỹ-Nga ở Đông Âu.

Ông O’Hanlon nói: "Việc nhiều người Nga có thực sự coi NATO là mối đe dọa hay không vẫn còn là một câu hỏi, nhưng rất nhiều người Nga cho rằng việc NATO mở rộng chính là một sự xúc phạm - một kẻ thù địch tiến sát tới biên giới của họ".

Là một khối liên minh chỉ có 12 quốc gia khi mới thành lập năm 1949, NATO đã tăng lên 16 thành viên khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và đã có thêm 13 thành viên kể từ thời điểm đó. Nga đã phản ứng mạnh mẽ đối với sự lớn mạnh của NATO về phía Đông.

Ông O’Hanlon nhận định: "Có thể giảm nguy cơ thù địch và chiến tranh thông qua việc tập trung vào điều gì mà Putin đang lo ngại, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là sự bành trướng của NATO".

Điều này không có nghĩa là Mỹ nên từ bỏ những nước bè bạn như Ukraine và Gruzia. Ông O’Hanlon nói: "Tuy nhiên, có một cách tốt hơn để giúp họ". Ông O’Hanlon cho rằng tạo ra một khu vực "đệm" ở Đông Âu sẽ buộc cả Nga lẫn NATO cam kết bảo vệ an ninh cho Ukraine, Gruzia, Moldova và các nước khác trong khu vực. Nga sẽ phải rút quân khỏi những nước này và những biện pháp trừng phạt sẽ bị dỡ bỏ. 

Ông O’Hanlon đã khẳng định với trang mạng realcleardefense.com rằng không ai trong Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng hay nhận xét gì về đề xuất của ông. Ông nói: "Tôi không nhận được bất kỳ tín hiệu nào về việc có thể có sự ủng hộ từ phía Chính quyền Trump về quan điểm của tôi.

Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng quan điểm đó sẽ phù hợp với mối quan tâm của Tổng thống trong việc tìm ra chính sách tốt hơn đối với Nga mà không phải hạ thấp các điều kiện của chúng ta".

Ông O’Hanlon khẳng định bất cứ giải pháp nào dẫn tới kết quả cùng tồn tại hòa bình đều đáng được thử nghiệm. Căng thẳng giữa Nga-Mỹ và NATO-Nga không chỉ bất lợi cho an ninh thế giới mà còn gây trở ngại cho sự phối hợp về các vấn đề cấp bách như an ninh hạt nhân.

Tới khi cuộc khủng hoảng này được xoa dịu thì các nước Đông Âu vẫn phải tiếp tục đau đầu về nguy cơ bị xâm lược từ Nga. NATO vẫn phải thường trực triển khai 5.000 quân tại các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan - một đội quân khiêm tốn, có tính chất đối phó hơn là phòng vệ.

Mùa Hè vừa qua, hàng chục nghìn binh lính của Mỹ và 23 quốc gia khác đã tổ chức diễn tập quân sự trên khắp các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh tại khu vực, trong đó các cuộc diễn tập này được mô tả là tinh vi và phức tạp hơn bất cứ hoạt động nào tương tự trong các năm trước đây.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, đã nhấn mạnh: "Nga là đối tượng có khả năng nhất mà chúng ta phải đương đầu".

Liệu ông Putin có chú ý đến sáng kiến cấu trúc an ninh khu vực này không, điều đó rất khó dự báo. Tuy nhiên, quan điểm đó có thể tạo động lực cho Nga thúc đẩy giải pháp thương lượng, đàm phán.

Ông O'Hanlon nhận định: "Tổng thống Putin có thể cảm nhận rằng ông đang chiếm lợi thế trong việc làm suy yếu NATO và Liên minh châu Âu (EU) thông qua việc thúc đẩy xung đột, hỗ trợ các nhà lãnh đạo cực đoan ở Tây Âu, kích động sự bất hòa trong nền chính trị Mỹ, từ đó khiến các nền dân chủ phương Tây phải do dự.

Ông Putin có thể ủng hộ một giải pháp cân bằng với phương Tây nếu điều này có thể đưa đến hình ảnh một Putin quyền lực ở trong nước và quyết đoán với bên ngoài. Bởi vậy, kết quả của bất kỳ nỗ lực nào nhằm xây dựng một cấu trúc an ninh mới cho khu vực đến nay vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, các nước vẫn cần thử nghiệm về cấu trúc mới này"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục