Thách thức về phát triển và phân phối vắc-xin ngừa COVID-19 (Phần 1)

06:00' - 17/12/2020
BNEWS Để có thể tiêm vắc-xin cho hàng chục triệu hay hàng trăm triệu dân, các nhà sản xuất vắc-xin và giới chức y tế tại mỗi quốc gia đều phải vượt qua rất nhiều thử thách từ mặt hậu cầu đến tài chính.

Anh và Mỹ là các nước đầu tiên trong các quốc gia phương Tây khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19. Để có thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 12 này, London đã đặt mua 40 triệu vaccine của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và những lô đầu tiên đó được dành cho 20 triệu dân Anh. 

Khối lượng thuốc này được sản xuất tại Bỉ, rồi được chuyển tới Anh qua đường hầm xuyên biển Manche trong những chuyến xe tải đặc biệt, với hệ thống giữ lạnh trong khoảng  từ -80°C đến -70°C. Vào đến lãnh thổ Anh, vaccine được phân phối cho 50 bệnh viện và 1.000 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.

Với hơn 61.000 ca tử vong vì COVID-19, nước Anh bị thiệt hại về người nặng nhất châu Âu. London kỳ vọng vaccine sẽ giúp giảm thiểu “99% số ca điều trị tại bệnh viện và số ca tử vong”, theo ghi nhận của Phó Giám đốc Cơ quan y tế quốc gia Jonathan Van-Tam.

Tại Pháp, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 không mang tính bắt buộc, nhưng từ tháng 7/2020, Cơ quan y tế cấp cao (Haute Autorité de Santé) đã lên kế hoạch theo nhiều giai đoạn. Paris dự trù bắt đầu tiêm phòng COVID-19 sau Tết Dương lịch.

Tại Mỹ, chính phủ đề ra mục tiêu tiêm phòng cho 20 triệu dân ngay từ ngày 17/12/2020 và kể từ tháng 1/2021, mỗi tháng các cơ quan y tế có khả năng tiêm phòng cho 25 triệu dân Mỹ nhờ vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Nhưng bên cạnh những mục tiêu đầy tham vọng đó, vấn đề đầu tiên là các nhà sản xuất phải có đủ vaccine để cung ứng cho thị trường.

Dây chuyền sản xuất và hệ thống giữ lạnh

Sau giai đoạn một - cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine, các tập đoàn Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc đều muốn là những nhà cung cấp đầu tiên “thần dược” cho nhân loại. Có thuốc rồi, nhưng các hãng dược phẩm vẫn chưa dám khẳng định “nắm được chiến thắng trong tay”, bởi khâu sản xuất cũng đã là một thách thức lớn. Trong một thời gian vài tuần lễ làm thế nào mở rộng hoạt động tại các nhà máy và nhất là bảo đảm có đủ từ kim tiêm đến lọ thủy tinh cho mỗi liều tiêm phòng COVID-19?

Chi nhánh của hãng dược phẩm Thụy Điển Recipharm, hoạt động tại Monts, vùng Indre et Loire, miền Tây nước Pháp, đã nhận được hợp đồng để sản xuất vaccine cho hãng dược phẩm Moderna của Mỹ. Recipharm đã phải chuẩn bị như thế nào để có thể giao hàng cho khách hàng ngay từ quý I/2021? 

Phó Chủ tịch Recipharm tại Pháp, Jean-François Hilaire, trả lời trên đài truyền hình France 24 rằng, từ vài tuần nay, hãng đã bắt đầu tuyển thêm nhân viên với tổng cộng là thêm 60 người để tăng thời gian làm việc. Từ trước đến nay, hãng có hai ê-kip, bây giờ thì có 5 nhóm thay phiên nhau làm việc, để nhà máy có thể hoạt động 24/7. 

Ngoài ra, hãng đã mua thêm trang thiết bị đặc biệt và tăng cường hệ thống giữ lạnh. Vaccine phải được giữ ở nhiệt độ dưới 20°C, trước khi được chiết vào lọ. Thêm vào đó, Recipharm đã mua thêm container, máy điều hòa không khí, tăng cường thêm cho các dây chuyền sản xuất sẵn có. Recipharm đã sẵn sàng để tăng tốc cung ứng ngay từ đầu tháng 1/2021 và hãng có thể giao lượng lớn cho khách hàng ngay từ quý I năm tới.

Được biết Recipharm đã đầu tư 2 triệu euro (2,4 triệu USD) vào cơ sở sản xuất tại Monts.

Ưu tiên sản xuất tại chỗ

Khủng hoảng y tế kéo dài từ đầu năm tới nay làm lộ rõ nhược điểm của hệ thống phân phối thuốc và trang thiết bị y tế của Pháp và châu Âu. Đó là sự lệ thuộc quá nhiều vào một số mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, mà ở đó Trung Quốc hay Ấn Độ là hai tâm điểm.

Do vậy, Paris và Brussels coi việc sản xuất thuốc và vaccine tại chỗ là một ưu tiên. Giải thích về thay đổi trong chiến lược sản xuất và an toàn y tế, Phó Chủ tịch Recipharm Jean, François Hilaire, cho hay: “Sẽ có nhiều thay đổi và chúng tôi đang thảo luận với chính phủ từ một vài tháng nay. Rõ ràng sản xuất thuốc ngay trên lãnh thổ Pháp hoặc châu Âu để đáp ứng nhu cầu trên thị trường phải là một ưu tiên. 

Pháp nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung có nhu cầu phải làm chủ dây chuyền cung ứng, đặc biệt là trong ngành y dược. Chúng tôi đang nghiên cứu những giải pháp theo hướng này. Recipharm tại Mont (vùng Indre et Loire) được chọn là do chúng tôi đáp ứng những tiêu chuẩn của hãng dược phẩm Moderna”.

Thách thức với ngành vận tải

Một khi có vaccine, vấn đề kế tiếp nằm ở khâu vận chuyển. Vaccine của Pfizer/BioNTech phải được bảo quản trong môi trường có độ lạnh -80 đến -70°C, vaccine của Moderna là -20°C.

Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử y tế, Patrick Zylberman, tác giả cuốn sách mang tựa đề “Chiến tranh vaccine” (nhà xuất bản Odile Jacob 2020), giải thích: “Đây thực sự là một vấn đề lớn ở nhiều cấp độ khác nhau. Bảo quản vaccine ở nhiệt độ -80°C là một thách thức đối với rất nhiều quốc gia không có phương tiện về mặt kỹ thuật để bảo đảm có được một dây chuyền giữ lạnh như vậy. 

Nhưng ngay cả tại các nước giàu, đây cũng không phải là một chuyện dễ làm. Nếu chúng ta muốn các bác sĩ đa khoa tham gia chiến dịch tiêm chủng cho đại chúng, thì có nghĩa là mỗi bác sĩ ở phòng mạch đều phải được trang bị những tủ lạnh, đủ sức để giữ các liều vaccine của Pfizer ở nhiệt độ -80°C. Không phải phòng mạch nào cũng có phương tiện bảo quản thuốc tiêm ở nhiệt độ thấp như vậy”.

Để chuyển vaccine đến toàn thế giới qua đường hàng không, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), được báo Les Echos trích dẫn, đã đưa ra những con số cụ thể như sau. Để mỗi người trên thế giới nhận được một liều vaccine ngừa COVID-19 cần huy động đến 8.000 chiếc máy bay vận tải lớn như loại Boeing 747. 

Chỉ riêng việc đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong đợt 1, mỗi ngày sẽ phải có 1.000 chuyến bay cất cánh và chương trình phải được kéo dài trong hai tuần liên tiếp. Đương nhiên các máy bay phải được trang bị hệ thống giữ lạnh -80°C.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục