Thái Bình gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới và kiểu mẫu

08:17' - 30/06/2023
BNEWS Thực tế hiện nay trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn lực đầu tư.

Sau hơn 10 năm (2010-2022) triển khai Chương trình nông thôn mới, tỉnh Thái Bình là một trong những điểm sáng của cả nước. Bức tranh nông thôn mới của địa phương này đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân vùng nông thôn được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, thực tế hiện nay trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn lực đầu tư.

 

Xã Dũng Nghĩa là một trong 4 địa phương đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao của huyện Vũ Thư năm 2023. Dù chỉ còn 6 tháng nữa để cán đích hoàn thành mục tiêu, song thời điểm này xã vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt về nguồn lực vốn đầu tư.

Thống kê của chính quyền địa phương, để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã cần huy động nguồn lực khoảng 50 tỷ đồng, song cân đối nguồn ngân sách xã và hỗ trợ từ cấp trên, địa phương này vẫn còn thiếu trên 20 tỷ đồng.

Đại diện UBND xã Dũng Nghĩa cho hay, đến thời điểm này, theo kết quả tự rà soát của chính quyền xã, Dũng Nghĩa đã đạt 14/19 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt gồm tiêu chí về giao thông, giáo dục, văn hóa, tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn và tiêu chí 17 về môi trường.

Để hoàn thiện các tiêu chí này, xã cần xây dựng thêm 8 phòng học, phòng chức năng của trường mầm non, lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời ở các điểm công cộng, xây dựng 3 nhà văn hóa thôn, hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm gỗ mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP, cụm công nghiệp hoàn thiện hồ sơ chứng nhận đạt chuẩn về bảo vệ môi trường…

Việc thiếu nguồn lực cũng là tình trạng tương tự ở xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương). Năm 2013 xã là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Bình về đích nông thôn mới. Đây cũng là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Dù đã có bước đà quan trọng như vậy nhưng đến nay, địa phương này vẫn chưa thể về đích nông thôn mới nâng cao do còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, đến nay tỉnh Thái Bình có 100% số xã, 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Thành phố Thái Bình hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có 25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đã được Đoàn thẩm định cấp tỉnh thẩm định xã đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đây là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hơn 10 năm qua.

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi quyết tâm cao và nguồn lực lớn. Theo đó, tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu đến hết năm 2025, Thái Bình phấn đấu có 50,2% số xã đạt nông thôn mới nâng cao (tương đương 120 xã); 4,6% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 12 xã) và có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương cho tỉnh Thái Bình để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025 là 620,6 tỷ đồng, thấp hơn so với giai đoạn 2016-2020 (1.400 tỷ đồng).

Mặt khác, nguồn huy động cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách hằng năm đã được giao cho các nhiệm vụ, dự án; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 14/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh cho các xã thấp; việc đấu giá quyền sử dụng đất có ít người tham gia; nợ đọng xây dựng nông thôn mới chưa được xử lý triệt để...

Do đó rất khó khăn tìm nguồn và bố trí nguồn vốn dành cho xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó nhu cầu nguồn vốn để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 -2025 rất lớn, đặc biệt là những tiêu chí xây dựng hạ tầng nông thôn như giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất trường học….

Thống kê giai đoạn 2010-2020 tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 22.835 tỷ đồng; trong đó, huy động từ nguồn nhân dân đóng góp (bằng tiền mặt, ngày công, hiến đất…) gần 3.670 tỷ đồng.

Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội nhất là từ huy động sức dân cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới tại tỉnh Thái Bình gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, để giải quyết bài toán này, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo chỉ tiêu Chính phủ giao, tỉnh Thái Bình đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 - 2025 trên nguyên tắc giảm dần các cơ chế hỗ trợ trực tiếp, cho không; chú trọng các cơ chế hỗ trợ gián tiếp, có tính chất khuyến khích tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng thời trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, quan điểm của tỉnh là hạn chế tối đa việc xây dựng các cơ chế mang tính dàn trải, hiệu quả không cao; tập trung xây dựng cơ chế mang tính định hướng, thống nhất, đủ sức hút để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Hiện các sở, ngành liên quan của tỉnh Thái Bình đang nghiên cứu cơ chế cụ thể, trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp giữa tháng 7 tới đây. Đây được coi là cơ chế quan trọng giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn về nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục