Thái Bình, Nam Định chuẩn bị cho xuất khẩu thịt lợn

09:24' - 23/10/2017
BNEWS Từ khi thực hiện Đề án "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình” đến nay, 2 tỉnh này không xảy ra dịch, bệnh.t
Thái Bình, Nam Định từng bước chuẩn bị cho xuất khẩu thịt lợn. Ảnh minh họa TTXVN
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi thực hiện Đề án "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình” đến nay, các tỉnh Thái Bình và Nam Định không xảy ra dịch lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn, trong khi các tỉnh, thành phố xung quanh gồm Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng từ năm 2015 đến nay vẫn có báo cáo xảy ra bệnh dịch tả lợn.

Tuy nhiên, trên địa bàn 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định vẫn xảy ra một số dịch bệnh khác trên lợn như: tụ huyết trùng lợn, phó thương hàn, đóng dấu lợn, bệnh do E.coli, suyễn.

Đề án "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo Quyết định số 441/QĐ-BNN-TY (gọi tắt là đề án 441) được xây dựng nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn. Thời gian thực hiện đề án 441 từ năm 2015 đến năm 2020.

Tính đến tháng 9/2017, Thái Bình có 22 trại chăn nuôi lợn tập trung thuộc đề án (đạt 66,7%), Nam Định 7 trại (23,3%) đã được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng. Đối với bệnh dịch tả lợn, Thái Bình có 11 trại, Nam Định 6 trại được công nhận an toàn dịch bệnh. Như vậy, chỉ Thái Bình có số lượng trang trại an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng đạt theo mục tiêu đề ra

Về xây dựng xã an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn, Thái Bình chưa có xã nào được công nhận; Nam Định có 1/209 xã có chăn nuôi lợn được công nhận. Cả hai tỉnh đều chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề án đề ra.

Đối với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, hiện nay, hai tỉnh Thái Bình và Nam Định chưa xây dựng xong vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long mong theo mục tiêu của đề án.

Tuy nhiên, Thái Bình cũng đã xác định và hình thành được một số chuỗi sản xuất như: chuỗi liên kết ngang (thông qua các hội, nhóm, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi); chuỗi liên kết dọc (theo hình thức chăn nuôi gia công, liên kết với các doanh nghiệp). Thái Bình đã có 26 trang trại chăn nuôi liên kết với 4 doanh nghiệp; có 1 hiệp hội chăn nuôi, 4 hợp tác xã và 11 tổ hợp tác chăn nuôi.

Nam Định cũng đã xác định và hình thành được một số chuỗi sản xuất như: chuỗi liên kết lợn thịt (liên kết giữa các trang trại chăn nuôi lợn thịt với Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông); chuỗi liên kết lợn sữa (liên kết giữa các trang trại chăn nuôi lợn nái với Công ty TNHH Công Danh). Các chuỗi sản xuất này sẽ là tiền đề cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tương lai.

Đến 1/4/2017, Thái Bình có trên 1 triệu con lợn, có 546 trang trại chăn nuôi lợn; trong đó, có 33 trang trại chăn nuôi lợn tập trung. Nam Định có gần 780.000 con lợn Tổng đàn lợn (không kể lợn sữa), có 30 trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục