Thái Bình sẽ đẩy mạnh liên kết trong nông nghiệp

14:17' - 11/04/2021
BNEWS Thái Bình xác định xây dựng hợp tác xã nông nghiệp hiện đại, lấy hợp tác làm trọng tâm để thúc đẩy các liên kết trong nông nghiệp.

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua các hợp tác xã trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản tỉnh Thái Bình đã từng bước đổi mới, thể hiện vai trò là điểm tựa cho bà con nông dân, giúp các hộ thành viên cải thiện phương thức sản xuất, gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị canh tác.

Sự góp sức của hợp tác xã đã và đang góp phần cải thiện bức tranh kinh tế tập thể vốn đơn điệu trước đây trở nên sinh động hơn.

*Từng bước đổi mới

Từ một hợp tác xã hoạt động theo kiểu cũ, kém năng động trong phát triển các loại dịch vụ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã sáng tạo, chuyển đổi mạnh mẽ sang hình thức tổ chức sản xuất mới bền vững hơn, hiệu quả hơn trong đó lấy liên kết theo chuỗi giá trị làm nòng cốt.

Đây cũng là hợp tác xã điển hình của tỉnh Thái Bình tích cực đổi mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định (huyện Kiến Xương) cho biết, với vai trò là "bà đỡ" cho nông dân, hợp tác xã đã đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản, nông dân lựa chọn phương thức sản xuất, thỏa thuận giá cả với doanh nghiệp.

Năm 2020, đơn vị tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất lúa giống với diện tích trên 310 ha với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed bảo đảm bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá trị cao gấp hơn 1,3 lần so với giá lúa thường.

Năng suất lúa cả năm đạt 135,2 tạ/ha, tổng sản lượng lúa đạt 7.435 tấn, đạt giá trị trên 80 tỷ đồng. Hiện hợp tác xã cung cấp thường xuyên 14 dịch vụ phục vụ các hộ thành viên, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh.

Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết, nhờ vai trò dẫn dắt, hợp tác xã đã trở thành cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Từ 1 địa phương xuất phát điểm thấp, trước xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí, xã Bình Định đã nỗ lực bứt phá về đích nông thôn mới năm 2013, đến nay xã đã đạt 11/11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Năm 2020 thu nhập bình quân ước đạt gần 55 triệu đồng/người (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2013).

Không chỉ ở xã Bình Định mà ở Thái Bình hiện nay có nhiều mô hình hợp tác xã đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh cho hiệu quả cao như mô hình Liên hiệp Hợp tác xã nông dược với 4 hợp tác xã thành viên gắn kết, mô hình khép kín từ khâu trồng đến sơ chế, chiết xuất, chế biến, đóng gói hình thành nên chuỗi sản phẩm; mô hình xây dựng và quản lý thương hiệu tập thể "Mắm cáy Hồng Tiến" của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Hồng Tiến đã trở thành sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2020 của tỉnh Thái Bình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, toàn tỉnh có 267 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt 10.000 ha/năm.

Trong đó chủ yếu là các vùng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ bền vững lúa chất lượng cao, lúa giống và một số vùng sản xuất cây màu.

*Phát triển theo liên kết chuỗi

Theo thống kê, tỉnh Thái Bình hiện có 331 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó 318 hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 4  nuôi trồng thủy sản, 6 hợp tác xã trong lĩnh vực chăn nuôi, 3 hợp tác xã trong lĩnh vực trồng trọt.

Ngoài ra, còn có 1 Liên hiệp hợp tác xã và 130 tổ hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tổng số hộ thành viên trên 413.700 hộ, bình quân trên 1.250 hộ thành viên/hợp tác xã.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình, bình quân mỗi hợp tác xã thực hiện từ 4-5 dịch vụ phục vụ thành viên; trong đó 100% hợp tác xã làm dịch vụ tưới tiêu nước; 96,8% hợp tác xã làm dịch vụ khoa học kỹ thuật; 95,6% hợp tác xã làm dịch vụ bảo vệ thực vật; 83% hợp tác xã làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; 80% hợp tác xã làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; 8,6% hợp tác xã làm dịch vụ bảo quản giống kho lạnh.

Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 1,55 tỷ đồng/năm; trong đó có 12 hợp tác xã đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm, 28 hợp tác xã doanh thu đạt từ 2-3 tỷ đồng/năm, 161 hợp tác xã doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới chỉ có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Đây là con số còn quá ít, chưa tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, để phát huy vai trò của kinh tế tập thể nói chung, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, mới đây tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 341 hợp tác xã và 8 Liên hiệp hợp tác xã nông – lâm – ngư - diêm nghiệp, nâng lãi bình quân của hợp tác xã từ 85 triệu đồng/năm lên 93 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 35 triệu đồng/năm vào năm 2025.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh Thái Bình xác định xây dựng hợp tác xã nông nghiệp hiện đại, lấy hợp tác làm trọng tâm để thúc đẩy các liên kết trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển, cơ cấu kinh tế của địa phương bằng nhiều hình thức liên kết, hợp tác.

Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ xây dựng các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã gắn với sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh về sản lượng, chất lượng, giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm, từ đó sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục