Thái Lan cần bơm thêm tiền để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

06:30' - 22/10/2019
BNEWS Thái Lan cần bơm thêm nhiều tiền vào lưu thông, với mức khoảng 30-50 tỷ baht (990 triệu USD-1,65 tỷ USD), để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3% trong năm 2019.
Khách du lịch tham quan Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế và kinh doanh thuộc Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC), ông Thanawat Phonwichai, được truyền thông địa phương dẫn lời cho biết khoảng 20-30 tỷ baht đã được đưa vào lưu thông trong giai đoạn một của chương trình giải ngân khuyến khích người dân đi du lịch nội địa, đóng góp vào tăng trưởng GDP 0,1-0,2%.

Giai đoạn hai của chương trình này, sẽ được trình lên Nội các để thông qua vào 22/10, có thể làm tăng lượng tiền lưu thông nhờ việc kích thích du lịch nội địa và chi tiêu trong nước.

Theo ông Thanawat, những khoản tiền mà chính phủ chuyển cho nông dân trước đây để giảm chi phí sản xuất, cùng chương trình giảm chi phí sản xuất dành cho người trồng cao su và dầu cọ, ước tính tạo ra một lượng tiền tổng cộng 80 tỷ baht.

Nghiên cứu của UTCC cho thấy khả năng Thái Lan đạt được tăng trưởng GDP 2,8% trong năm 2019 là 66%, trong khi khả năng tăng trưởng kinh tế 3% là 33%. Kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,8% trong quý I/2019 và 2,3% trong quý II. Tăng trưởng GPD trong quý III được ước tính là 2,5-2,6%, trong khi mức tăng trong quý IV được dự báo là 3,5-4%.

Ông Thanawat nhận định những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2019 là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và đồng baht tăng giá. Trong năm 2020, tăng trưởng GDP của Thái Lan được dự báo có thể vượt qua ngưỡng 3% khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có thể dịu bớt.

Việc đồng baht tăng giá vẫn sẽ gây áp lực cho ngành du lịch, đặc biệt là đối với du khách Trung Quốc do phải chịu thêm khoản tăng 10% chi phí đổi tiền vì đồng baht có giá trị cao hơn trước.

Việc đồng baht của Thái Lan tăng giá đã gây đau đầu cho những nhà hoạch định chính sách của nước này, trong khi các nhà xuất khẩu phàn nàn rằng sức cạnh tranh của họ đang bị xói mòn vì hàng hóa của Thái Lan trở nên đắt đỏ hơn.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đổi mới kinh tế và kinh doanh thuộc Đại học Rangsit, ông Anusorn Tamajai, mới đây dự báo đồng baht có thể tăng lên mức 29 baht đổi 1 USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Nếu Fed hạ lãi suất cơ bản thêm một lần nữa, đồng baht sẽ chịu sức ép lớn do đây vốn được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn.

Kể từ đầu năm nay, đồng baht đã tăng 7,3%, mức tăng cao nhất so với tất cả đồng tiền khác ở các nước châu Á. Chuyên gia phân tích tiền tệ Roong Sanuangruang, thuộc Ngân hàng Krungsri, cho rằng kết quả trên là nhờ Thái Lan có thặng dư tài khoản vãng lai cao ở mức tương đương 7-8% GDP và dự trữ ngoại hối 220 tỷ USD (6.670 tỷ baht).

Theo bà Roong, các nhà đầu tư nước ngoài coi đồng baht là kênh đầu tư an toàn, mặc dù Thái Lan có mức tăng trưởng kinh tế không cao và đồng baht thậm chí có thể tăng lên mức 30 baht đổi 1 USD trong ngắn hạn.

Sự lên giá của đồng baht đã tác động đến xuất khẩu và du lịch, nhưng Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho biết sẽ giám sát chặt chẽ đồng nội tệ để phòng ngừa việc "nhảy giá" quá nhanh. BoT giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,5% trong tháng Chín vừa qua, sau khi bất ngờ giảm tỷ lệ này một tháng trước đó. Tuy nhiên, BoT đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan từ 3,3% xuống còn 2,8% trong năm 2019. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này là 4,1%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục