WB: Thái Lan không đủ tiềm lực kiềm chế đồng nội tệ

05:30' - 17/10/2019
BNEWS Đồng baht đã trở thành đồng tiền an toàn của một số nhà đầu tư, được đảm bảo bởi thặng dư tài khoản vãng lai và 220 tỷ USD dự trữ nước ngoài.
Kiểm tiền baht của Thái Lan tại ngân hàng Krung Thai ở Bangkok. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) hiện không có đủ tiềm lực để đối phó với sự mạnh lên của đồng baht, nhưng mặt khác việc đồng nội tệ tăng giá cũng được coi là một dấu hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào các chỉ số kinh tế cơ bản của nước này.

Giám đốc WB Thái Lan, Birgit Hansl nhấn mạnh: "BoT có thể không dễ dàng kiểm soát các xu hướng làm tăng giá đồng baht”. "Cú nhảy" về giá của đồng baht là một phần của bức tranh toàn cầu, trong đó các quốc gia với nền kinh tế nhỏ, cởi mở “bị hạn chế về năng lực” để có thể tạo sự thay đổi. 

Đồng baht đã trở thành đồng tiền an toàn của một số nhà đầu tư, được đảm bảo bởi thặng dư tài khoản vãng lai và 220 tỷ USD dự trữ nước ngoài. Việc đồng tiền này tăng giá 7% so với đồng bạc xanh trong năm nay đã góp phần vào sự chậm lại của nền kinh tế thiên về thương mại của Thái Lan, qua đó tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Giám đốc WB Thái Lan nhận định rằng khả năng đứng vững của đồng baht là một “thanh kiếm hai lưỡi”, nhưng sự bền vững về kinh tế ở cấp độ cao quan trọng hơn nhiều cho các nhà đầu tư dài hạn. Xét trên khía cạnh này, đồng baht là một dấu hiệu tốt. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá Thái Lan là một thị trường ổn định và an toàn.

Tháng Chín vừa qua, BoT thông báo rằng hoạt động đầu cơ đồng baht đã giảm xuống sau một đợt cắt giảm lãi suất chủ chốt và các bước đi nhằm kiềm chế một số dòng vốn chảy vào Thái Lan

Trong khi đó, BoT và các quan chức Chính phủ Thái Lan khẳng định nền kinh tế nước này chưa rơi vào suy thoái mà chỉ tăng trưởng thấp hơn tiềm năng. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương nước này đã sẵn sàng để tiến hành các hành động cần thiết, trong đó đã chuẩn bị các kế hoạch để kiềm chế đồng baht.

Thống đốc BoT, Veerathai Santiprabhob, cho hay Ủy ban chính sách nước này đang “rất quan ngại” về sức mạnh của đồng nội tệ và sẽ tiếp tục nới lỏng các quy định về dòng vốn đi ra khỏi thị trường trong 1 đến 2 tháng.

Các nhà đầu tư nước này sẽ được phép đầu tư rộng hơn, đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu được phép dự trữ các đồng ngoại tệ ở nước ngoài trong một khoảng thời gian dài hơn. Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu được dự trữ vốn ở nước ngoài trong vòng một năm.

Thống đốc Veerathai Santiprabhob đã phát biểu tại một hội nghị các nhà phân tích rằng BoT sẽ đảm bảo dòng chảy của vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, trong bối cảnh các khoản đầu tư vào mặt hàng này đang ở mức cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu vàng có lẽ không cần phải vội vàng chuyển các đồng ngoại tệ về nước. Tuy nhiên, đó không phải là lệnh cấm đối với việc mua bán vàng.

Ông Veerathai khẳng định BoT đã có những kế hoạch để giảm thặng dư tài khoản vãng lãi thông qua hợp tác với các cơ quan nhà nước, nhằm đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này cũng sẽ góp phần vào việc tái cấu trúc nền kinh tế Thái Lan.

Từ tháng 1 đến tháng 8/2019, tổng thặng dư tài khoản vãng lai Thái Lan đạt 25 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt 34 tỷ USD vào năm nay, tương đương với 6,3% GDP, so với mức 11,5% GDP của năm ngoái.

Đồng baht là đồng tiền có thành tích tốt nhất châu Á cho đến thời điểm này, tăng 7,5% so với đồng USD, bắt nguồn từ sự gia tăng thặng dư tài khoản vãng lai và dòng vốn chảy vào từ nước ngoài. Đồng tiền nội tệ của Thái Lan hiện giao dịch ở quanh mức 30,41 baht đổi 1 USD.

Sự lên giá của đồng baht đã tác động đến xuất khẩu và du lịch, nhưng BoT cho biết sẽ giám sát chặt chẽ đồng nội tệ để phòng ngừa việc "nhảy giá" quá nhanh, ông Veerathai khẳng định.

BoT giữ nguyên tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức 1,5% trong tháng Chín, sau khi bất ngờ cắt giảm tỷ lệ này vào tháng Tám vừa qua. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP từ 3,3% xuống còn 2,8%. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2018 là 4,1%.

Ông Veerathai khẳng định nền kinh tế nước này chưa rơi vào “suy thoái hay khủng hoảng”, do đó nước này không cần phải cắt giảm các tỷ lệ lãi suất nhiều lần như những nước khác, bởi lãi suất chính sách của nước này đã ở mức thấp nhất trong các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc BoT Mathee Supapongse cho biết, ngân hàng này vẫn có khả năng khai thác các khoảng trống chính sách sẵn có nếu cần thiết. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của nước này vẫn đang phụ thuộc vào dữ liệu của nền kinh tế.

Thái Lan không cần thiết phải giảm lãi suất cơ bản xuống dưới 1,25%, một mức thấp kỷ lục và BoT sẽ tiếp tục cân nhắc chính sách tiền tệ tại cuộc họp diễn ra vào ngày 11/6 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục