Thái Lan kỳ vọng vào mô hình kinh tế BCG để phát triển bền vững

16:34' - 21/07/2022
BNEWS Theo các chuyên gia Thái Lan, mô hình kinh tế mới Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) với mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm có thể thúc đẩy cơ hội kinh doanh sau khi dịch COVID-19 lắng xuống.

Phát biểu tại một phiên thảo luận có tiêu đề “Kinh tế BCG ở Thái Lan và sự bền vững trong kinh doanh”, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo thuộc Hành lang Kinh tế phía Đông (EECi), Janekrishna Kanatharana, đã nêu bật rằng BCG bao phủ 4 khu vực kinh tế liên quan đến đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa của Thái Lan.

 

Ông Janekrishna, người cũng là Phó Chủ tịch Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, cho biết các ngành đó là thực phẩm và nông nghiệp; y tế và sức khỏe; năng lượng, vật chất và hóa sinh; và du lịch và nền kinh tế sáng tạo.

Ông Janekrishna nhấn mạnh với những chính sách đúng đắn cùng sự quản lý và can thiệp, việc sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới, cũng như sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan đến nền kinh tế BCG sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho tương lai bền vững của Thái Lan.

Phiên thảo luận nói trên là một phần của Diễn đàn Học thuật Quốc tế và Nhóm Trọng tâm Truyền thông APEC lần thứ 5 do Bộ Ngoại giao Thái Lan và Đại học Mahidol tổ chức nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại Thái Lan.

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, Thani Thongphakdi, cho biết Bộ Ngoại giao đã can dự để nâng cao nhận thức của công chúng về tính bền vững và các chủ đề ưu tiên hàng đầu khác của APEC. Tuy nhiên, cần có những cuộc đối thoại có ý nghĩa hơn để đảm bảo mọi người đều hưởng lợi từ Hội nghị Cấp cao APEC.

Theo ông Thani, nền “kinh tế vừa đủ” của Thái Lan đã giúp bảo vệ nước này trước những khó khăn hiện tại nhưng BCG cũng có một vai trò nhất định. Bằng cách tận dụng khoa học, công nghệ và đổi mới thông qua cách tiếp cận toàn xã hội, mô hình nền kinh tế BCG có thể thúc đẩy thời kỳ hậu đại dịch và tăng trưởng lâu dài.

Chương trình EECi là một kế hoạch cấp quốc gia của Thái Lan nhằm phát triển một trung tâm đổi mới, sáng tạo ở Thung lũng Wangchan tại tỉnh Rayong trong Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).

EECi tập trung vào hai hạng mục công nghệ và đổi mới gồm Trung tâm nghiên cứu và đổi mới trong tự động hóa, người máy và các hệ thống thông minh có tên gọi là Aripolis và Trung tâm nghiên cứu và đổi mới trong khoa học đời sống và công nghệ sinh học có tên gọi là Biopolis.

Theo Tổng thư ký Văn phòng EEC, Kanit Sangsubhan, Thái Lan muốn hợp tác trong các dự án quan trọng để phát triển công nghệ không dây và kỹ thuật số 5G, thúc đẩy sản xuất BCG cũng như xây dựng Đề án EECi.

Chính phủ Thái Lan sẽ làm việc để đảm bảo các nhà đầu tư tiềm năng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của EEC như một trung tâm đầu tư, một cơ sở cho ngành công nghiệp kỹ thuật số và một thành phố thông minh theo khái niệm phát triển đô thị bền vững.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu biến EEC, bao gồm các tỉnh Chon Buri, Rayong và Chachoengsao, thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của đất nước với 12 ngành công nghiệp ưu tiên như xe điện, điện tử thông minh cũng như y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2 của quá trình phát triển EEC từ năm 2022 đến năm 2026 ước tính khoảng 2.200 tỷ baht (khoảng 60 tỷ USD).

Sản xuất BCG khuyến khích các nhà chế tạo áp dụng các kỹ thuật có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm và có tác động tối thiểu hoặc không ảnh hưởng đến môi trường. Với mục tiêu đạt được mức độ trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Thái Lan đang nỗ lực hành động để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng cách áp dụng mô hình BCG và coi đây một con đường để đạt được phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đang mở ra nhiều chương trình xúc tiến đầu tư cho một loạt các lĩnh vực liên quan, bao gồm công nghệ sinh học, sản xuất sinh hóa, khí sinh học và sản xuất năng lượng sinh khối, sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi và cơ sở tái chế. Vào năm 2021, tổng giá trị của các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước được đăng ký theo chương trình khuyến khích đầu tư BCG của BoI đã tăng hơn gấp đôi từ con số 68,4 tỷ baht lên thành 152,4 tỷ baht.

Với việc thúc đẩy Chiến lược BCG, GDP của Thái Lan dự kiến sẽ tăng thêm 200 tỷ baht trong vòng hai năm nhờ vào tăng trưởng đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân. Để củng cố nỗ lực này và thúc đẩy hơn nữa xu hướng đầu tư BCG, BOI gần đây đã phê duyệt một loạt biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ kỹ thuật số, nghiên cứu và phát triển, đồng thời tích cực ứng dụng các lĩnh vực này vào phát triển nguồn nhân lực. Ngoài các ưu đãi, BOI đang phối hợp với các cơ quan chính phủ khác và khu vực tư nhân để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp BCG, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, phối hợp giải quyết các mối đe dọa về biến đổi khí hậu và hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn cho Thái Lan.

Là nước chủ nhà của APEC 2022, Thái Lan cũng đang thúc đẩy mô hình kinh tế BCG làm động lực cho những ưu tiên của APEC trong năm nay. Thái Lan tiếp nhận cương vị APEC từ New Zealand (Niu Di-lân) và công bố chủ đề của Năm APEC 2022 là “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng” trong một buổi lễ diễn ra dưới hình thức trực tuyến hôm 12/11/2021. Chủ đề này được vạch ra nhằm đưa APEC rộng mở cho mọi cơ hội, kết nối trong mọi chiều và cân bằng trong mọi khía cạnh.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 dự kiến sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào ngày 18-19/11./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục