Thái Lan sẽ tăng nợ công bù đắp thiếu hụt nguồn thu từ thuế

09:39' - 23/12/2020
BNEWS Nội các Thái Lan ngày 22/12 đã thông qua mục tiêu lạm phát do Bộ Tài chính và Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Thái Lan đặt ra, với mức dự kiến trong năm 2021 là 1-3%.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết mục tiêu được đặt ra phù hợp với các điều kiện kinh tế, bao gồm động lực lạm phát, xã hội già hóa của Thái Lan, công nghệ thay đổi nhanh chóng và tình trạng không chắc chắn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

MPC vẫn ưu tiên hỗ trợ phục hồi kinh tế cùng với việc duy trì sự ổn định của giá cả và một hệ thống tài chính lành mạnh.

Cùng ngày, Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch chi tiêu trung hạn của Chính phủ Thái Lan trong giai đoạn 2022-2025 do Bộ Tài chính Thái Lan đề xuất.

Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng trong khoảng 2,7-4,2% trong khoảng thời gian 4 năm đó.

Thái Lan đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm từ 3-4% trong những năm gần đây, trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 được dự báo sẽ kéo theo sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong năm nay.

Bộ Tài chính Thái Lan cũng dự báo sự gia tăng nợ công vì Chính phủ Thái Lan sẽ cần phải vay thêm tiền để tài trợ cho thâm hụt ngân sách.

Nợ công của Thái Lan trong năm nay đạt 7.850 tỷ baht, chiếm 49,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến sẽ tăng lên 56% vào năm tới, 57,6% vào năm 2022, 58,6% vào năm 2023, 59% vào năm 2024 và 58,7% vào năm 2025.

Trước đây, Bộ Tài chính Thái Lan đã đặt ra giới hạn 60% đối với tỉ lệ nợ công trên GDP để đảm bảo tính bền vững về tài khóa.

Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình tối 22/12, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định quốc gia Đông Nam Á này phải tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch khi mà tình hình COVID-19 trở nên phức tạp.

Ông Prayut đã phát đi tín hiệu về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt hơn và đình chỉ việc nới lỏng du lịch, đồng thời cảnh báo kinh tế Thái Lan sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.

Trước đó, Nội các Thái Lan đã thông qua đề xuất của Bộ Lao động Thái Lan về việc trả tiền cứu trợ cho những người tham gia Quỹ Bảo hiểm Xã hội (SSF) bị thất nghiệp do đại dịch COVID-19.

Chương trình này có hiệu lực từ 19/12, theo đó người lao động được bảo hiểm sẽ nhận được 50% tiền lương hàng ngày dựa trên mức lương hàng tháng tối đa là 15.000 baht (khoảng 500 USD) trong thời gian tối đa 90 ngày.

Chương trình nói trên được đưa ra nhằm giảm bớt khó khăn của những người lao động được bảo hiểm ở các tỉnh có nguy cơ cao như Samut Sakhon, Samut Songkhram, Nakhon Pathom, Nonthaburi và Bangkok sau khi bùng phát dịch COVID-19.

Số lượng lao động có bảo hiểm ở các địa phương này ước tính khoảng 5,7 triệu người và chương trình cứu trợ ước tính tiêu tốn của SSF khoảng 5 tỷ baht (khoảng 165 triệu USD).

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính GDP của Thái Lan có thể giảm mạnh như trong quý II/2020 nếu các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc được áp đặt để ngăn chặn một đợt bùng phát COVID-19 mới.

GDP của Thái Lan trong quý II/2020 giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước và 9,7% so với quý I/2020 khi nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát đại dịch COVID-19 và lệnh phong tỏa trên toàn quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục