Thái Lan ứng phó với điều kiện bất lợi trong xuất khẩu gạo

06:30' - 02/04/2018
BNEWS “Đồng baht tăng giá là vấn đề lớn nhất đối với hoạt động xuất khẩu gạo trong năm nay, bởi nó khiến gạo Thái Lan đắt đỏ hơn, kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ khác”.
Gạo được bày bán tại một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN 

Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo (TREA) Thái Lan Charoen Laothamatas. Và đây chỉ là một trong những yếu tố đang khiến giới chức “xứ Chùa vàng” phải đau đầu.

Khó chồng khó

Đầu tháng Một, Chính phủ Thái Lan công bố dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2018 của nước này chỉ ở mức 9,5 triệu tấn, so với mức 11,48 triệu tấn gạo Thái của năm ngoái, với lý do là điều kiện thời tiết không thuận lợi và chính sách của chính phủ nhằm cắt giảm sản lượng sản xuất do lo ngại về tình trạng dư cung quá mức trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, hai tháng sau đó, TREA lại cho biết việc đồng baht mạnh lên gần 10% và sản lượng gạo dự báo giảm có thể sẽ khiến xuất khẩu mặt hàng này trong năm nay không đạt mục tiêu 9,5 triệu tấn đã đề ra, mặc dù mức mục tiêu này đã thấp hơn 18% so với con số của năm trước.

Ông Charoen cho biết con số xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo được đưa ra vào đầu năm nay. Tuy nhiên, đồng baht đã tăng hơn 9% so với USD trong năm 2017 và tiếp tục tăng trong một tháng rưỡi đầu năm 2018, với tỷ giá là 31,6 baht đổi 1 USD vào giữa tháng Hai năm nay.

Trong khi cùng thời điểm, đồng tiền của Việt Nam chỉ tăng 1%, rupee tăng 6% và nếu đồng baht tiếp tục tăng, Hiệp hội sẽ hạ mục tiêu xuất khẩu gạo. Gạo hương nhài (hom mali) của Thái Lan có giá 1.200 USD/tấn vào giữa tháng 2/2018, cao gần gấp đôi mức 650 USD/tấn gạo cùng loại của Việt Nam.

Ngoài ra, những hàng rào phi thuế quan ở một số nước nhập khẩu, chẳng hạn như việc kiểm soát chặt chẽ hơn dư lượng hóa chất, cũng có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Về thị trường thế giới, TREA nhận định nhu cầu trên toàn cầu sẽ vẫn mạnh vì những nước nhập khẩu nhiều như PhilippinesIndonesia dự kiến mua khoảng 1-1,5 triệu tấn trong năm nay. Chính phủ Thái Lan mới đây cũng thông báo chính sách kiểm soát sản lượng thóc gạo hàng năm ở mức khoảng 30 triệu tấn, giảm so với mức 33 triệu tấn của năm 2017.

Giành thế chủ động

Trong một bước đi nhằm trấn an thị trường sau những diễn biến bất lợi, truyền thông Thái Lan ngày 21/3 cho biết chính phủ nước này đã lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu gạo bằng việc đàm phán trực tiếp với chính phủ các nước. Chiến lược mới về xuất khẩu gạo sẽ hỗ trợ cho khoảng 13 triệu nông dân, tương đương 20% dân số nước này.

Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan ông Adul Chotinisakorn được dẫn lời nói rằng để thúc đẩy quá trình đàm phán, Thái Lan sẽ cử một số quan chức tới các thị trường nhập khẩu gạo lớn của nước này. Ông Chotinisakorn cho biết tại một số quốc gia châu Á, hoạt động nhập khẩu gạo hoàn toàn được kiểm soát bởi các cơ quan thu mua chính phủ, vì vậy Thái Lan sẽ cử người đến làm việc với các cơ quan này. 

Nhiều thị trường nhập khẩu gạo ở khu vực Đông Nam Á đang nằm trong "tầm ngắm" của Thái Lan như Indonesia và Philippines. Số liệu thống kê cho thấy Indonesia và Malaysia nhập khẩu khoảng 800.000 tấn gạo Thái trong khi Philippines nhập 1 triệu tấn và dự định sẽ mở phiên đấu thầu hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong tháng Ba này.

Chính phủ Thái Lan cũng kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ở khu vực Trung Đông như IraqIran. Lượng nhập khẩu gạo Thái của hai nước này hiện ở mức 1 triệu tấn/năm.

Lợi ích nông dân trên hết

Trước đây, hoạt động xuất khẩu gạo của chính phủ đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 20% trong tổng số 8-10 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, xu hướng tự do hóa thương mại những năm gần đây cho phép các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng ký hợp đồng xuất khẩu gạo hơn.

Vài năm trở lại đây, Thái Lan quan tâm tới hoạt động xuất khẩu gạo thông qua hợp đồng liên chính phủ, đặc biệt là đối với những nước có quy trình thanh toán và giao hàng phức tạp. 

Xuất khẩu gạo thông qua kênh chính phủ giúp các doanh nghiệp tư nhân giảm thiểu nhiều rủi ro, trong đó có các lệnh trừng phạt kinh tế. Bên cạnh đó, giá gạo trong các hợp đồng liên chính phủ cũng thấp hơn so với thị trường do mối quan hệ thương mại giữa các nước. Điều này khiến hoạt động xuất khẩu gạo của Chính phủ Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn so với các công ty tư nhân.

Trước đó, ngay trước thời điểm thu hoạch vụ mùa 2017-18 bắt đầu vào tháng 11/2017, Nội các Thái Lan đã thông qua gói hỗ trợ nông dân và bình ổn giá gạo trị giá 87,2 tỷ bath (2,6 tỷ USD).

Gói biện pháp hỗ trợ bao gồm khoản vay 33,5 tỷ bath của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp dành cho nông dân với mục đích lùi lại thời điểm bán gạo ra thị trường; và khoản tiền 53,7 tỷ bath dành cho người nông dân chấp thuận dự trữ gạo tại kho trong thời gian cam kết.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ các khoản vay dành cho nông dân nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác nông nghiệp để nâng cao giá trị gạo. Tổng giá trị của chương trình này vào khoảng 12,5 tỷ bath với mục tiêu 2,5 triệu tấn gạo. Với chương trình, cơ chế hợp tác sẽ nhận khoản trợ cấp với lãi suất 3%, các hợp tác xã sẽ lấy 1% lãi suất và thời gian áp dụng từ 1/10/2017-30/9/2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục