Thái Lan ưu đãi đầu tư cho 4 hành lang kinh tế mới

05:30' - 05/04/2022
BNEWS Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị tung ra những ưu đãi đầu tư cho 4 hành lang kinh tế mới ở miền Nam, miền Bắc, miền Tây và vùng Đông Bắc nhằm tăng cường đầu tư vào các khu vực này.

Phó Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) Anak Meemongkol cho biết NESDC và Ủy ban Đầu tư (BoI) đang nghiên cứu các biện pháp khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư đến với bốn hành lang kinh tế mới tương tự như Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).

 

EEC là một phần trong chiến lược của Chính phủ Thái Lan nhằm đưa nước này hướng tới một nền kinh tế công nghệ cao. EEC có diện tích tổng cộng 30.000 mẫu Thái (4.800 ha) ở các tỉnh Chon Buri, Rayong và Chachoengsao để phục vụ đầu tư vào các ngành công nghiệp mục tiêu, tập trung chủ yếu vào công nghệ tiên tiến.

EEC tập trung vào 12 ngành công nghiệp mục tiêu gồm ô tô, điện tử thông minh, du lịch y tế và sức khỏe, nông nghiệp và công nghệ sinh học, thực phẩm, robot cho công nghiệp, hậu cần và hàng không, nhiên liệu sinh học và hóa sinh, kỹ thuật số, dịch vụ y tế, phát triển quốc phòng và giáo dục.

Chính phủ Thái Lan đang có một loạt ưu đãi cho đầu tư vào EEC, bao gồm miễn thuế tiêu chuẩn trong 5-10 năm tùy thuộc vào danh mục đầu tư, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm nữa, và giảm 50% thuế doanh nghiệp trong ba năm đối với các dự án đầu tư liên quan đến phát triển nguồn nhân lực.

Theo ông Anak, các hạng mục đầu tư vào bốn hành lang kinh tế mới sẽ khác với 10 đặc khu kinh tế hiện có vì mỗi hành lang sẽ có nhiệm vụ thúc đẩy một số ngành cụ thể. Thông tin chi tiết về các ưu đãi mới và các hạng mục đầu tư dự kiến sẽ được trình lên Ủy ban Quốc gia về Phát triển các Đặc khu Kinh tế do Thủ tướng chủ trì vào tháng Năm tới.

Bốn hành lang kinh tế mới là Hành lang kinh tế phía Nam, Hành lang kinh tế Đông Bắc (NEEC), Hành lang kinh tế phía Bắc (NEC) và Hành lang kinh tế phía Tây (WEC).

Trong đó, Hành lang phía Nam nhằm kết nối Biển Andaman, Vịnh Thái Lan và các quốc gia dọc theo vành đai Ấn Độ Dương như Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh.

Hành lang này bao gồm các tỉnh Nakhon Si Thammarat, Chumphon và Ranong. Chính phủ Thái Lan muốn thúc đẩy nền kinh tế sinh học dựa trên dầu cọ trên hành lang này.

Hành lang kinh tế Đông Bắc bao gồm các tỉnh Udon Thani, Khon Kaen, Nakhon Ratchasima và Nong Khai. Hành lang này dự kiến sẽ sản xuất các sản phẩm để cung cấp cho EEC và Trung Quốc, với trọng tâm là phát triển kinh tế sinh học do khu vực này có nguồn nguyên liệu dồi dào như gạo, bột sắn và mía.

Hành lang kinh tế phía Bắc được chỉ định bao gồm bốn tỉnh là Chiang Mai, Lamphun, Lampang và Chiang Rai. Nội các Thái Lan vào đầu năm 2020 đã phê duyệt trên nguyên tắc kế hoạch phát triển hành lang này, với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực, thúc đẩy du lịch cộng đồng và văn hóa cũng như cải thiện các sản phẩm trong khu vực để xuất khẩu.

Hành lang kinh tế phía Tây bao gồm các tỉnh Kanchanaburi, Phetchaburi, Samut Sakhon và Prachuap Khiri Khan. Chính phủ Thái Lan có kế hoạch phát triển hành lang này thành một liên kết với EEC và cảng Dawei ở Myanmar./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục